Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Những con số giật mình
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP đang là vấn đề cấp bách. Theo đó, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.
Đáng chú ý, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. PM2.5 trung bình năm của TP, giai đoạn 2017 – 2020, đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của WHO. Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ rõ, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất với tỉ lệ lên tới 58% – 74%.
Đứng thứ hai là sản xuất công nghiệp với tỉ lệ 14% – 23%. Các nguồn còn lại gồm nông nghiệp chiếm 3,4% – 18,9%; dân sinh chiếm 6,2% và đốt rác chiếm 2,2%. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kW điện và hàng triệu lít xăng dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên.Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí đã và đang để lại những hậu quả khó đo đếm đối với sức khỏe người dân cũng như kinh tế khi số ca bệnh về tim mạch, hô hấp tăng nhanh qua mỗi năm.
Thạc sĩ Kim Văn Chinh – Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường cho biết, với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, mỗi năm Hà Nội có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Ước tính thiệt hại do ô nhiễm không khí ở Hà Nội khoảng 2.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2011-2015.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Một trong những điểm nổi bật của Kế hoạch này là Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 – 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn PM2.5.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu.
“Căn bệnh” cần “liều thuốc” đặc trị
Bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Tổ chức Live & Leam nhận định, việc Hà Nội xác định rõ các nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí là giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng trọng việc đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường không khí Thủ đô.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là một “căn bệnh” và “căn bệnh” này được gây ra bởi nhiều “nguồn bệnh” khác nhau chứ không chỉ riêng khí thải từ phương tiện giao thông vận tải. Do đó, để “chữa bệnh” cũng cần một “liều thuốc” đặc trị, đó là các giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ.
“Căn bệnh gây ra bởi nhiều nguồn bệnh thì sẽ khó chữa hơn, như ô nhiễm không khí của Hà Nội là vấn đề khó giải quyết hơn” – bà Đỗ Vân Nguyệt cho hay.
Theo chuyên gia này, để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí, Hà Nội đang có những thuận lợi và những khó khăn nhất định. Thuận lợi ở chỗ, Hà Nội đang có rất nhiều điểm sáng, đó là những mô hình hay về công tác bảo vệ môi trường đang được triển khai hiệu quả.
Đặc biệt, bà Đỗ Vân Nguyệt đánh giá, công tác truyền thông, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường đang được Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện rất hiệu quả, được người dân, nhất là giới trẻ rất quan tâm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thực hiện được các mục tiêu trong công tác bảo vệ môi trường.
“Vừa qua, tôi có cuộc điều tra nhỏ ở một tỉnh miền Trung, rất xa Hà Nội và không bị ô nhiễm không khí như Hà Nội. Thế nhưng, khi tiến hành khảo sát các bạn nhỏ ở đây, chúng tôi thật bất ngờ bởi nhiều bạn rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí của Thủ đô” – bà Đỗ Vân Nguyệt kể lại và cho biết thêm, khi hỏi các em tại sao lại quan tâm và hiểu rõ về một vấn đề cách xa nơi ở của mình đến thế, bà và các công sự nhận được câu trả lời rằng, các em biết qua các kênh truyền thông như truyền hình, báo chí…
Điều này chứng tỏ công tác truyền thông về môi trường của chúng ta đang phát huy hiệu quả, đồng thời giới trẻ cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường.
Làm sao để gỡ điểm nghẽn chính sách
Ở chiều ngược lại, chuyên gia đến từ tổ chức Live & Leam cho biết, Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ môi trường nói chung và bảo đảm chất lượng không khí nói riêng. “Hà Nội là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, đương nhiên sẽ là một thách thức không nhỏ” – bà Đỗ Vân Nguyệt nói.
Cũng theo chuyên gia này, một vấn đề nữa mà Hà Nội cần phải tháo gỡ để hiện thực hóa các mục tiêu bảo đảm chất lượng không khí chính là điểm nghẽn về mặt chính sách, cụ thể ở đây là chính sách kiểm soát khí thải xe máy. “Thách thức lớn nhất trong việc kiểm soát khí thải xe máy nằm ở chỗ, đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người.
Bởi vậy khi đề cập đến vấn đề này, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Đó cũng là một thách thức không nhỏ” – bà Đỗ Vân Nguyệt nói và nhấn mạnh, để tháo gỡ điểm nghẽn này, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân đối với vấn đề kiểm soát khí thải xe máy là rất quan trọng.
Cũng bàn luận đến vấn đề giảm phát thải từ phương tiện giao thông, TS Nguyễn Hương Huế – Ban Giao thông bền vững, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhấn mạnh đến giải pháp phát triển giao thông công cộng.
Theo chuyên gia này, giao thông công cộng của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10 – 15% nhu cầu. Đây là con số rất khiêm tốn. “Trên thế giới cứ 13 phút lại có người chết vì ô nhiễm không khí” – TS Nguyễn Hương Huế đưa ra con số khiến nhiều người không khỏi giật mình và nhấn mạnh rằng, ô nhiễm không khí đang là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ của riêng Việt Nam hay Thủ đô Hà Nội.
“Tôi rất ấn tượng với một câu nói, rằng: “Tại sao chúng tôi không chấp nhận uống nước bẩn mà lại chấp nhận hít không khí bẩn”” – TS Nguyễn Hương Huế chia sẻ và cho rằng, công tác bảo vệ chất lượng không khí cần được quan tâm hơn nữa. Trong đó, một trong những giải pháp cần được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm là phát triển giao thông công cộng.
Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giao thông công cộng. Để giao thông công cộng trở thành phương tiện thu hút người dân sử dụng, phải đáp ứng 3 tiêu chí: Chi phí, thời gian và chất lượng dịch vụ. Tôi đánh giá, TP Hà Nội đang rất quyết tâm trong vấn đề này. Bản thân tôi mong Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền người dân thay đổi thói quen dùng giao thông công cộng. Ban Giao thông bền vững, Cơ quan Phát triển Pháp, TS Nguyễn Hương Huế
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị