Philippines: Dự án lập vườn ươm để phục hồi san hô

Philippines: Dự án lập vườn ươm để phục hồi san hô

Một nhóm gồm các chuyên gia đang lập vườn ươm tại địa điểm lặn nổi tiếng ở phía nam thủ đô Manila, Philippines để góp phần nhân giống, phục hồi san hô bị hư hại.

Tại thị trấn ven biển Bauan thuộc tỉnh Batangas, nhóm tiến hành thu gom san hô bị hư hại do thiên tai hoặc tác động do con người (rác thải nhựa, hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ), đồng thời trục vớt cả phần san hô còn sống rồi đặt vào vườn ươm.

Nhà khoa học hàng hải Sam Shu Qin – nhóm bảo tồn phi lợi nhuận Our Singapore Reefs tham gia sáng kiến nêu trên – cho biết: “Nếu cứu được số san hô chống chịu biến đổi khí hậu tốt hơn, tồn tại ở nhiệt độ cao hơn thì chúng ta có thể nhân giống nhiều hơn. Giống như đang tạo nên rạn san hô cho tương lai vậy”.

tm-img-alt
Nhóm thợ lặn thu gom san hô bị hư hại – Ảnh: Straits Times

Thị trấn Bauan cách thủ đô Manila 2 giờ chạy xe, sở hữu quần thể san hô đa dạng thu hút người đam mê lặn biển suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng san hô tại đây thường xuyên hứng chịu thiên tai (như bão) lẫn sự tàn phá của con người, đe dọa đến hệ sinh thái cùng ngành du lịch.

Theo nhóm bảo tồn Reef Watch Philippines, năm 2020, vài khu vực quanh Batangas bị hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt. Nhiệt độ cao khiến san hô biến thành màu trắng do mất đi tảo sống bên trong mô. Khoảng 72km bờ biển chịu ảnh hưởng.

Thảm họa thôi thúc hướng dẫn viên lặn biển kiêm chủ khu nghỉ dưỡng, cô Carmela Sevilla hành động. Cô mời các nhà bảo tồn cùng chí hướng tham gia sáng kiến lập vườn ươm.

Với hơn 7.600 hòn đảo và gần 36.300km bờ biển, Philippines là một trong số quốc gia giàu tài nguyên biển nhất thế giới. Nước này chắc chắn không thoát khỏi ảnh hưởng khi nhiệt độ Trái đất ngày càng tăng.

Ngày 15/4, Cơ quan Khí quyển – Đại dương Mỹ (NOAA) tuyên bố các rạn san hô trên thế giới đang đối mặt với đợt tẩy trắng quy mô lớn thứ tư do nhiệt độ đại dương cao bất thường. San hô bị tẩy trắng có thể hồi phục nhưng nếu nước biển không mát lại, chúng sẽ chết.

Cô Sevilla chia sẻ: “Chúng tôi không đặt mục tiêu tạo nên khác biệt lớn, ngăn chặn biến đổi khí hậu hay tác động đáng kể công tác bảo tồn. Nỗ lực nhỏ tạo nên khác biệt bằng cách tích lũy theo thời gian, tích lũy dần. Vườn ươm là thứ có thể tồn tại lâu dài, góp phần đem lại tác động”.

Đến nay nhóm đã lập được vườn ươm với 64 phần san hô bị hư hại.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích