Hơn 7.300 lao động được trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1 trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc. Các chế độ hỗ trợ gồm có trợ cấp một lần, giám định mức suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hằng tháng, cấp dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt, chỉnh hình.
Trong những năm qua, công tác giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động luôn được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định. Trong năm 2023, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện giải quyết kịp thời hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.190 người (có 1.775 người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng và 415 người hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng); giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.136 người.
Con số này cho thấy, số người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp qua cả hai hình thức hằng tháng và một lần của năm 2023 có biến động nhẹ so với năm trước đó.
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thăm, tặng quà nạn nhân bị tai nạn lao động. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, trong năm 2023, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng giảm 4,53% (tương ứng giảm 104 người) so với năm 2022 song số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần lại tăng 3,69% (thêm 183 người) so với năm 2022.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng ổn định, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tương đối nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Song, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với người lao động, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau. Việc thực hiện chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chính pháp luật liên quan đến chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các nội dung truyền thông cần tập trung vào: Điều kiện hưởng; quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền lợi, trách nhiệm của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ này…
Nguồn: Báo lao động thủ đô