Bình Dương còn nhiều khó khăn trong phát triển giao thông
(Xây dựng) – Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc. Tham gia Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề gặp khó khăn tại Bình Dương. |
Tăng trưởng hơn so với cùng kỳ
Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương báo cáo Phó Thủ tướng và Đoàn công tác tình hình kinh tế – xã hội; tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh cùng những khó khăn cần được sớm tháo gỡ để thực hiện đúng tiến độ.
Theo đó, kết thúc quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu của tỉnh Bình Dương đều tăng so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,27%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD (tăng 16,2%); kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD (tăng 6,3%). Tính đến ngày 10/4, Bình Dương ước thu ngân sách đạt gần 20.000 tỷ đồng (đạt 31% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao); tổng chi ngân sách ước đạt hơn 4.200 tỷ đồng (đạt 14% dự toán); Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công khoảng1.840 tỷ đồng đạt (13,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.430 tỷ đồng (tăng 5,9%). Thu hút 193,3 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (bằng 44% cùng kỳ) và gần 14.100 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 30,4%). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.255 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn là 40,5 tỷ đô la Mỹ và có vốn trong nước với tổng vốn 741.000 tỷ đồng.
Quan trọng hơn, hiện Bình Dương đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo góp ý của Hội đồng thẩm định Quốc gia và triển khai thủ tục đầu tư 08 dự án nhà ở xã hội có quy mô 39ha, với căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 933.000m2. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã chú trọng vào công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Về tiến độ các dự án trọng điểm, đại diện tỉnh Bình Dương cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đến nay đã khởi công được 03 gói thầu. Bình Dương đang phấn đấu hoàn thiện dự án Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh trong đầu quý II/2026 (sớm hơn 3 tháng so với tiến độ chung của toàn dự án Vành đai 3).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương dự kiến khởi công ngày 10/7/2024 và sẽ thi công từ quý III/2024 đến quý IV/2026 vào sử dụng từ tháng 12/2026.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công vào ngày 2/9/2024 và thi công từ quý III/2024 đến quý IV/2027 và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2027.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình thuộc tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh.
Những vấn đề cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quý I/2024, tỉnh Bình Dương đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến giao thông, tài chính, mức đầu tư và cơ chế tài chính để tăng nguồn thu cho Bình Dương.
Theo ông Võ Văn Minh, tuyến Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 đoạn cần nâng cấp, đó là: Nút giao Tân Vạn, do bị khống chế về chi phí xây dựng nên chỉ đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc 4 làn xe và 2/5 nhánh cầu nên không đáp ứng được lưu lượng giao thông, khu vực này thường xuyên bị ách tắc. Do đó, việc đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh nút giao gồm 8 làn xe, các nhánh rẽ và dải dừng đỗ khẩn cấp trong giai đoạn 1 là rất cấp bách và cần thiết.
Đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn, Bình Dương kiến nghị cần được đầu tư xây dựng kéo dài các dải dừng đỗ khẩn cấp (hai bên), với mặt cắt ngang thay đổi từ 19,75m lên thành 24,75m mới đảm bảo được 2 làn dừng khẩn cấp liên tục.
Tại cầu Bình Gởi, Bình Dương đề nghị sớm có phương án đầu tư hoàn chỉnh dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bình Dương với chi phí phát sinh dự kiến khoảng 2.465 tỷ đồng từ nguồn vốn kết dư của dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại đoạn 15,3km đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương cần được đầu tư dự án này từ nguồn đầu tư công theo quy mô giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 64m và đầu tư 4 làn cao tốc trên cao hoàn chỉnh (bao gồm làn dừng khẩn cấp) nhằm đảm bảo tính đồng bộ các dự án, tránh gây ách tắc giao thông.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công trong tháng 07/2024 từ nguồn thu đấu giá đất; tuy nhiên Bình Dương vẫn cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách đặc thù đối với tuyến đường Vành đai 3; xem xét hỗ trợ địa phương từ 50% kính phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tương ứng với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Bình Dương nhận thấy, việc nâng cao năng lực ga An Bình (bao gồm Ga liên vận quốc tế Sóng Thần) là rất cần thiết và góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ. Do đó cần được cập nhật bổ sung vào Quy hoạch tỉnh và triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ xem xét tích hợp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đến ga An Bình vào quy hoạch phát triển công nghiệp đường sắt giúp kết nối vùng và bổ sung phương án bố trí vốn cho Bình Dương triển khai đầu tư.
Vấn đề “nóng” được Bình Dương đề cập thẳng thắn nữa đó là Chính phủ cần cho tỉnh giữ lại 70% khoảng tăng từ tiền thuê mặt đất, mặt nước để sử dụng đầu tư một số dự án đầu tư công trọng điểm: Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… (không sử dụng để tạo nguồn cải cách tiền lương, do địa phương đã cân đối được từ các nguồn khác).
Di dời lưới điện trên địa bàn tỉnh, chấp thuận cho tỉnh Bình Dương được bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hoặc được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với công suất điện mặt trời tự sản, tự tiêu đến năm 2030 lắp đặt khoảng 3.000MW và hơn 5.000MW đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ… cũng được Bình Dương đề cập tới tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Trước những kiến nghị của Bình Dương, đại diện các Bộ, ngành cũng thẳng thắn trao đổi từng vấn đề. Nhìn chung lại, các Bộ, ngành đều thống nhất với các kiến nghị của Bình Dương và cam kết sẽ sát cánh để tháo gỡ những khó khăn tại tỉnh Bình Dương nhất là các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 kết nối vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả của Bình Dương trong thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định: Bình Dương là địa phương đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng đến phát triển bền vững, đi đầu trong đóng góp nguồn thu cho quốc gia. Bình Dương được cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về phát triển kinh tế với chiến lược phát triển thông minh, lãnh đạo tỉnh luôn đổi mới, tìm tòi trong cách nghĩ, cách làm như Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis sau 5 lần tổ chức tại Bình Dương là một ví dụ điển hình; qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển trong tình hình mới.
Để tháo gỡ khó khăn và những đề xuất của Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Trước mắt, địa phương tự chủ thống nhất trong phương án đầu tư nhưng các địa phương phải ngồi lại thống nhất với nhau để đảm bảo đúng hướng tuyến và đúng với thiết kế theo chủ trương Chính phủ đã thống nhất. Chính sách phát triển những dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng Đông Nam bộ thì Chính phủ luôn ủng hộ và sẽ có chính sách phù hợp, sẵn sáng tháo gỡ những khó khăn mà các tỉnh, thành đã và đang đề xuất, nhằm kịp thời gỡ vướng sớm triển khai đồng bộ các dự án đạt hiệu quả cao nhất.
“Các Bộ, ngành cần ghi nhận chi tiết những đề xuất, kiến nghị của Bình Dương để tổng hợp, tìm cách tháo gỡ nhanh nhất, đúng nhất và cần có lộ trình cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng