Hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới
(Xây dựng) – Ngày 19/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) thế giới. Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và ĐMST trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người, ngày 21 tháng 4 hàng năm được Tổ chức Liên hợp quốc chọn làm Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới.
Chỉ số ĐMST (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua. |
Đảng và Nhà nước xác định vai trò nền tảng của KH,CN&ĐMST, xem đây là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng lớn để phát triển ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số ĐMST như xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách khuyến khích ĐMST, đặc biệt trong doanh nghiệp; phát triển Trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia…
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ĐMST được quy định tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng các chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái KNST quốc gia và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ các Bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, tại Việt Nam, các điều kiện khung phục vụ phát triển hệ thống ĐMST quốc gia đã được hình thành như chính sách đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động KH&CN, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai các quỹ hỗ trợ, phát triển KH,CN&ĐMST, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh…; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, KNST… ngày càng được hoàn thiện. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động ĐMST, đưa nội dung này trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động ĐMST đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số ĐMST (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.
Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Tháng 3/2024, lần đầu tiên Bộ KH&CN công bố kết quả triển khai Bộ Chỉ số PII. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả ĐMST của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số PII hằng năm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. |
Cùng với đó, hệ sinh thái KNST của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ KNST. Mạng lưới hỗ trợ KNST đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái.
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm KNST để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia.
Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động ĐMST, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thông qua các đề án, chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ĐMST được coi là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu về ĐMST. Để đạt được các mục tiêu, thời gian tới cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển ĐMST và KNST, giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn.
Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và ĐMST trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người, ngày 21 tháng 4 hàng năm được Tổ chức Liên hợp quốc chọn làm Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới.
Năm 2024 là năm thứ ba Bộ KH&CN tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới với mục tiêu tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động ĐMST; Thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và xã hội.
Nhân dịp này, Bộ KH&CN sẽ phát động, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới năm 2024 gồm: Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2024 (Techfest 2024); Triển khai bộ Chỉ số ĐMST PII; Phụ nữ Việt Nam với ĐMST, KNST.
Trong khuôn khổ Lễ hưởng ứng sẽ diễn ra Hội thảo khoa học về hoạt động ĐMST, KNST. Các báo cáo tham luận tại Hội thảo bao gồm các nội dung: Tổng quan về ĐMST trong doanh nghiệp tại Việt Nam, chính sách và định hướng phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia; công cụ đo lường ĐMST cấp ngành; hoạt động ĐMST và KNST.
ĐMST đem lại cơ hội để xây dựng, củng cố năng lực cạnh tranh, giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới đạt các mục tiêu phát triển đất nước bền vững và theo hướng hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng