Hà Tĩnh: Khẳng định nền tảng phát triển bền vững bằng chuyển đổi số
(Xây dựng) – Với những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện, Hà Tĩnh đang trở thành một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước trong nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số.
Hà Tĩnh đang trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong nỗ lực triển khai thực hiện chuyển đổi số. |
Xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn, giúp người dân và doanh nghiệp được hưởng những tiện ích mà cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) mang lại, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong hơn 2 năm nỗ lực thực hiện đề án, toàn tỉnh đã thành lập 2.167 Tổ công tác tại các cấp huyện, xã và thôn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, với sáng kiến thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn, cùng với việc lực lượng công an 3 cấp phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong việc tham mưu triển khai thực hiện, đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức hội và đoàn thể, tạo tiền đề xây dựng bộ dữ liệu dùng chung trên địa bàn, giúp tiết kiệm ngân sách hàng tỷ đồng tiền đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất đối với các ngành chưa có hạ tầng cơ sở dữ liệu.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, soát từng trường dữ liệu”, lực lượng Công an làm nòng cốt, phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trên địa bàn, Ban chỉ đạo đã giao chỉ tiêu thực hiện đối với từng Sở, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, duy trì hoạt động các nhóm “Zalo điều hành” xuyên suốt từ tỉnh đến thôn, xóm. Trong đó có các thành viên là Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện, xã.
Qua 2 năm thực hiện đề án, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tăng cường huy động kinh phí từ nội tại và nguồn kinh phí xã hội hóa với số tiền hơn 2,5 tỷ để đầu tư mua sắm, máy móc thiết bị phục vụ cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) và thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Với nỗ lực đó, Hà Tĩnh là đơn vị thứ 2 trên toàn quốc hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện và xếp thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, quá trình thực hiện, sau khi xây dựng 21 mô hình điểm đưa vào hoạt động có hiệu quả, địa phương này tiếp tục nhân rộng thêm 23 mô hình khác trên địa bàn toàn tỉnh, xác định việc tổ chức triển khai 44 mô hình điểm là thực hiện 44 nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn.
Hiện nay, 44 mô hình đang tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra, bước đầu đã đạt được nhưng kết quả tích cực trong quá trình thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn.
Một số mô hình đạt kết quả cao có thể kể đến như mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; cơ sở khám, chữa bệnh; nhà ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất với 100% cơ sở tham gia thực hiện, với gần 50.000 nghìn lượt thông báo kể từ tháng 8/2023 đến hết tháng 11/2023.
Người dân Hà Tĩnh hài lòng khi tra cứu thông tin và tự đăng ký khám chữ bệnh trực tuyến. |
Mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD với 100% cơ sở tham gia, thực hiện hơn 2 triệu lượt tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh chỉ cần mang theo thẻ CCCD, rút ngắn thời gian, quy trình khám bệnh. Mô hình công dân số hoàn thành cấp thẻ CCCD đối với 100% công dân trên địa bàn, cài đặt tài khoản định danh điện tử đạt 80% so với số công dân đã được cấp thẻ CCCD, cài đặt chữ ký số công cộng với 69.432 tài khoản tham gia, đạt tỷ lệ 7,2%. Người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 75,3%.
Cùng với đó, một số mô hình khác như xác thực thông tin thẻ CCCD phục vụ thi sát hạch lái xe; mô hình xác thực thẻ CCCD tại các cơ sở công chứng, chứng thực; mô hình xác thực tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ… cũng là những mô hình mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.
Kết quả, năm 2023, bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia của tỉnh Hà Tĩnh xếp 16 toàn quốc, tăng 8 bậc so với năm 2022. Đối với việc triển khai 11 dịch vụ công của Bộ Công an, tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến của tỉnh Hà Tĩnh đạt 79,36%, trong đó, một số dịch vụ công có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến 100% như: Thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu.
Một số dịch vụ của các ngành khác cũng đạt tỷ lệ 100% như đăng ký thuế lần đầu, đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện… Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ bảo hiểm y tế và CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều lĩnh vực trong Đề án 06 trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa được như kỳ vọng. Các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng đã cơ bản đạt được với 109 nhiệm vụ. Trong đó, 14 nhiệm vụ đang triển khai và 1 nhiệm vụ chưa hoàn thành là hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, hạn chế kiểm tra, giám sát thủ công; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, làm giàu dữ liệu, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Một số chỉ tiêu đang đạt chỉ số thấp, đơn cử như việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Tính đến 30/11/2023, toàn tỉnh chỉ mới có 16.243/106.413 đối tượng nhận chi trả không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 15,1%. Mặc dù, 100% các cơ sở y tế đã thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, song số khoản thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chỉ đạt 9,37%. Một số cơ sở đạt tỷ lệ rất thấp như Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh 5,2%; Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê 1,26%; các Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ và Bệnh viện Y học cổ truyền đạt dưới 1%.
Các cơ sở giáo dục triển khai thu học phí và các khoản thu khác qua thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn còn rất thấp, đơn cử như huyện Hương Khê chỉ chiếm tỷ lệ 1,63%, thậm chí các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Vũ Quang chưa triển khai thu học phí và các khoản thu khác qua thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thanh toán viện phí qua thanh toán không dùng tiền mặt kết quả đạt được còn thấp, mới chỉ đạt 9,37% về số món và 21,27% về số tiền, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng