Lớn hụt kiểu lớn, nhỏ thiếu kiểu nhỏ: Bài toán đau đầu ở Sài Gòn
Chỉ riêng tại TP.HCM, 5 tháng qua, số công nhân dừng hoạt động lên tới 500.000 người, nhiều người bỏ phố về quê. Thực tế này khiến DN ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đau đầu tìm lời giải cho bài toán nhân lực lao động.
Hệ lụy từ thiếu nhân lực
Thời điểm này hàng năm, Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) (TP.HCM) cần khoảng 200 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, nhưng hiện chỉ có 80 người. Lượng nhân sự thiếu hụt rất nghiêm trọng, chưa kể việc tăng công suất cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng giám đốc Bidrico cho hay, khó khăn trong việc tuyển mới nguồn lao động bên ngoài là độ an toàn về dịch bệnh, tâm lý lao động cũ khi thấy người mới vào sẽ có phần e dè.
Bà Hồ Thị Quỳnh Châu, đại diện Công ty TNHH Master Sofa International (Bình Dương) thông tin, hiện tại, tất cả hoạt động của nhà máy đang theo quy định của tỉnh nên số công nhân đăng ký “3 tại chỗ” chỉ đạt 20% so với trước dịch. Thời gian tới, đối với phương án sản xuất “bình thường mới”, con số này cũng chỉ đạt 60%. Điều đó đồng nghĩa với việc DN sẽ rất “bí” khi thiếu 40% lượng lao động thời điểm này.
Ông Trần Thanh Sơn – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM) nhận định, công ty lớn thiếu kiểu lớn, các công ty nhỏ sẽ thiếu theo kiểu nhỏ. Con số thiếu hụt ít nhất từ 10-15% lao động, tùy quy mô DN và lĩnh vực hoạt động.
Làn sóng di cư ngược của người lao động đẩy doanh nghiệp vào thế khó (ảnh: Phong Anh) |
Theo nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” do Trường Đại học Kinh tế – Luật thực hiện, cơ hội việc làm sẽ tiếp tục suy giảm mạnh sau giãn cách, nhất là cơ hội việc làm đối với lao động tự và kinh doanh cá thể. Nếu không có biện pháp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ tăng mạnh.
Ở khía cạnh ngược lại, dòng lao động di chuyển về quê và chậm quay trở lại TP.HCM sau dịch sẽ gây thiếu hụt một lượng lớn lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.
Từ kiến nghị của 64 hiệp hội và hàng trăm DN được tổng hợp trong tháng 9/2021, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 lần này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các KCN, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Nhiều DN quy mô lớn với hàng trăm, hàng nghìn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn; một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác.
Đưa người lao động quay lại guồng sản xuất
Về phần mình, Công ty Song Ngọc có phương án mở thêm chuyền may do có quá nhiều đơn hàng đồng thời tuyển bổ sung lao động cho các dây chuyền cũ. Tổng số nhân sự cần là từ 50-60 người.
Theo ông Sơn, công ty không phân biệt chế độ chính sách đối với người lao động. Tùy theo tay nghề, năng lực để trả lương, công nhân cũ và công nhân mới được đối xử như nhau. Chỉ sau 1 tuần, nếu thấy phù hợp thì DN lập tức ký hợp đồng và lao động được hưởng chế độ như nhau.
“Thực tế, việc làm hiện nay rất nhiều. Các khoản thu nhập chắc chắn, chế độ chính sách cho công nhân ổn định hơn trước dịch, đây là điều giữ chân người lao động”, ông nói.
Còn Bidrico lên kế hoạch tiếp nhận 45 lao động, trong đó có 15 nhân viên cũ và 30 nhân viên mới. Yêu cầu bắt buộc là nhân sự đã tiêm một mũi vắc xin đủ 14 ngày, hai lần test âm tính trong 3 ngày. Về chế độ ưu đãi, công ty điều chỉnh mức thu nhập tăng khoảng 7% so với trước, đi kèm là chế độ ăn uống, bữa ăn giữa ca, chăm sóc y tế.
Vai trò của lao động cần được nhìn nhận lại sau đại dịch Covid-19 lần 4 (ảnh: Trần Chung) |
TGĐ Bidrico nhìn nhận, sống chung với dịch Covid-19 thì việc xuất hiện các ca F0 là bình thường. Nếu F0 ở thể nhẹ, công ty có phòng riêng trong lúc đợi cơ quan y tế xử lý, có chế độ chăm sóc khác biệt, cung cấp thuốc điều trị triệu chứng, vitamin C. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ cả nước gừng, xả uống hàng ngày và mua cả nồi xông cho bất kỳ người lao động có nhu cầu.
Đối với những lao động đã về địa phương, ông Trần Việt Anh – TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (TP.HCM) – cho rằng, các DN cần thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay lại làm việc. Khi quay lại TP thì cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động.
Theo VCCI, việc đi lại của người dân, người lao động đang gặp khó khăn, cản trở, nhất là đi lại giữa các địa phương dẫn tới tình trạng DN thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động. VCCI đề nghị các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành.
Trong đó, lưu ý tích hợp/liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý thẻ xanh trong nước với “hộ chiếu vắc-xin”, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay, ưu tiên số một vẫn là tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân, đảm bảo an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại TP. Ngoài ra, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn ở lại dù thu nhập giảm nhưng bù lại được gần gũi gia đình. Vì vậy, các DN cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc trên TP.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhận định, cần có chính sách đảm bảo an toàn sản xuất, đảm bảo nhà ở xanh – sạch để người lao động yên tâm khi quay lại làm việc. Ngoài chính sách tiền lương, cần có chế độ an sinh xã hội thỏa đáng với thân nhân lao động. Nếu muốn giữ chân lao động lâu dài thì DN cần đầu tư, dành quỹ đất làm nhà ở cho đối tượng này. Các khu chế xuất, KCN cần có nhà mẫu giáo, người giữ trẻ cho công nhân yên tâm làm việc.
“Doanh nghiệp đầu tư cho người lao động lâu dài, duy trì sức khỏe cho họ, tạo năng suất cao trong lao động; từ đó sẽ mang lại lợi ích cho chính DN”, Thứ trưởng Hồi nêu quan điểm.
Nguồn: Báo xây dựng