Hà Nội: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) cần thực hiện trong năm 2024. Phân công rõ trách nhiệm các Sở, Ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan.

Về yêu cầu, bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các Chương trình, Kế hoạch đã ban hành của Thành ủy, UBND Thành phố với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung hoàn thành trong năm 2024; Các nhiệm vụ phải được thực hiện nghiêm túc gắn với việc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Về mục tiêu trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Phấn đấu về cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11/8/2021 và Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 29/12/2022 của UBND Thành phố.

Nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển KHCN&ĐMST: Bộ Chính trị tại Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chỉ đạo: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; gắn với phát triển kinh tế – xã hội của ngành, vùng, địa phương, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; 

Thành ủy Hà Nội tại Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025” chỉ đạo: “Thực hiện thường xuyên, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong triển khai Chương trình. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”;

Các đơn vị được giao chủ trì các chỉ tiêu tại Chương trình 07/CTr-TU chủ động phối hợp đơn vị có liên quan theo dõi, tính toán, đánh giá và đôn đốc việc hoàn thành chỉ tiêu. Đặt ra các mốc cần đạt được của chỉ tiêu trong năm 2024, 2025 làm cơ sở đánh giá cuối nhiệm kỳ, đề ra giải pháp thúc đẩy;

Các ngành, địa phương đưa các chỉ tiêu phát triển KH,CN&ĐMST vào nội dung, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương. Định hướng và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN&ĐMST vào sản xuất và đời sống;

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Đa dạng hóa hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội (xây dựng một số phóng sự, chuyên đề, các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm…).

Thứ hai là tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách. Hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tổ chức các hội nghị huy động trí tuệ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu, đóng góp ý kiến cho nội dung chính sách. Nghiên cứu, đề xuất để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) các chính sách: quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cơ chế đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố quy định trong Luật.

Tập trung nguồn lực cho Nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, đưa vào quy hoạch những nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch triển khai của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ ba là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Rà soát, lựa chọn các vấn đề thiết thực, dân sinh bức xúc của Thủ đô hiện nay như: tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, xử rác thải, ô nhiễm môi trường, những vấn đề an ninh phi truyền thống… để đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ. Chú trọng nghiên cứu các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục là nơi văn hóa và con người Hà Nội đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô. Triển khai một số đề tài nghiên cứu để phục vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố.

Tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu KH&CN tiên tiến trong nước và thế giới. Chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời quan tâm nghiên cứu định hướng ứng dụng để tiến tới tự chủ, cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Hà Nội có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.

Đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố, giải pháp, sáng kiến từ các cuộc thi, phong trào sáng kiến, sáng tạo trong những năm vừa qua. Tổ chức truyền thông để quảng bá, giới thiệu các kết quả, giải pháp, sáng kiến với doanh nghiệp.

Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm đẩy mạnh đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN và chỉ đạo thực hiện kế hoạch ứng dụng KH&CN trong ngành và địa phương. Các quận, huyện rà soát lại, xác định điểm nghẽn, những vấn đề trong quá trình phát triển cần phải giải quyết bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, để chủ động phối hợp với các sở, ngành giải quyết hoặc đề xuất với Thành phố. Các huyện tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị làng nghề gắn với phát triển du lịch. Các Quận tập trung vào công tác chuyển đổi số.

Thứ tư là phát triển thị trường KH&CN: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động hình thành thị trường khoa học và công nghệ Hà Nội. Thành lập và đưa vào vận hành “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thành phố.

Tổ chức đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp – viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc ứng dụng các sản phẩm của KH&CN tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; Xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ và năng lực sản xuất, trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, phấn đấu mỗi năm 1 ngành/lĩnh vực.

Tăng cường tổ chức các hội nghị ba nhà: Nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp, các chợ công nghệ và thiết bị, các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cấp bách trên địa bàn thành phố, công bố kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng,… để chủ thể tham gia thị trường KH&CN có điều kiện giới thiệu tiềm năng, nhu cầu, trao đổi, đàm phán mua bán công nghệ, thiết bị. Có nhiều hình thức giới thiệu rộng rãi các sản phẩm KH&CN, lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư theo cả hai phương thức trực tuyến và trực tiếp. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được công bố, trình diễn, giới thiệu, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước. Tạo diễn đàn kết nối với các doanh nghiệp trên cả nước để tìm hiểu về nhu cầu hỗ trợ KH&CN của các doanh nghiệp, làm đầu mối kết nối, huy động nguồn lực từ các trường, cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.

Thứ năm là thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp: Hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả; xây dựng điển hình tốt để định hướng, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Xây dựng các tiêu chí đánh giá đổi mới sáng tạo đối với từng đối tượng để làm căn cứ hỗ trợ, động viên, khen thưởng.

Ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực…

Đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu.

Thứ sáu là triển khai thực hiện các nội dung trong Biên bản hợp tác giữa Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố; Tổ chức chuỗi các hoạt động (hội thảo, triển lãm, cuộc thi…) nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (18/5/2024); Tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4/2024); Phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc về Sở hữu trí tuệ và Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 6; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2024).

Thứ bảy là nâng cao hiệu quả hoạt động sáng kiến sáng tạo: Phát huy hiệu quả phong trào sáng kiến Thủ đô, đẩy mạnh hoạt động Sáng kiến, sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực; Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả có công trình khoa học và công nghệ tham gia xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Thủ đô.

Thứ tám là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Sở hữu trí tuệ, An toàn bức xạ hạt nhân, Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

Xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ đối với các sản phẩm gắn với chương trình OCOP. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn bức xạ tại các cơ sở tiến hành công việc bức xạ: kiểm tra các cơ sở tiến hành công việc bức xạ; hoạt động kiểm soát, kiểm tra các cơ sở thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thành phố.

Triển khai áp dụng, duy trì và cải tiến có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Duy trì hoạt động kiểm định phương tiện đo và thử nghiệm mẫu hàng hoá. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng.

Thứ chín là phát huy vai trò của Hà Nội là trung tâm KHCN&ĐMST của cả nước: Triển khai Đề án Xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội để phối hợp, hợp tác, liên kết giữa chính quyền Thành phố với các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn và quốc tế nhằm phát huy nguồn lực KH&CN cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, tăng cường và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST; Tích cực chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế về KH&CN; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thết giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích