Phát triển đô thị Hải Phòng hiện đại, văn minh, đáng sống
(Xây dựng) – Hai đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề để thành phố Hải Phòng hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.
Một góc đô thị Hải Phòng. |
Phát triển mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh
Tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính thành phố Hải Phòng, với tổng diện tích 1.526,52km2. Tầm nhìn đến năm 2045 – 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Trọng tâm về mô hình không gian đô thị, Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Cấu trúc không gian đô thị: Hai vành đai – ba hành lang – ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ – du lịch – đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc Quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc.
Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Về định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh, Hải Phòng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Bigdata khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh. Đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu về dịch vụ thông tin, viễn thông của người dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.
Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến của Hải Phòng đạt 80 – 86%. Dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 – 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0 – 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 – 76%; dân số đến năm 2040 khoảng 3,9 – 4,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2 – 4,0 triệu người.
Xây dựng thành phố Hải Phòng hiện đại, văn minh, đáng sống
Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về một số nội dung liên quan đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn, ngày 6/3, ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng đã và đang cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, đáng sống. Trong mỗi nhóm công việc, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đều tích cực chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện có liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ cần thiết, nhằm đảm bảo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, phát triển thành phố Hải Phòng theo các mốc thời gian đã đề ra.
Hải Phòng phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư vào Đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) và các đô thị vệ tinh. |
Hải Phòng mong muốn Bộ Xây dựng quan tâm, hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác thẩm định Báo cáo rà soát đánh giá trình độ phát triển đô thị thành phố Hải Phòng, đô thị loại I, để mở rộng nội thành thành phố sang địa bàn huyện An Dương; Báo cáo rà soát đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận An Dương và các khu vực dự kiến thành lập 13 phường trên địa bàn huyện An Dương; các nội dung liên quan đến thẩm định Đề án phân loại đô thị Thủy Nguyên và tập trung hướng dẫn giải quyết một số nội dung liên quan đến triển khai thủ tục về Dự án tại Bộ Xây dựng; Báo cáo rà soát đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận Hồng Bàng dự kiến mở rộng.
“Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội – kỹ thuật – môi trường… của thành phố. Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Trong đó, việc xây dựng “Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 1380 ngày 22/5/2023.
Thời gian tới, UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn thuộc Bộ Xây dựng để xây dựng, hoàn thiện, trình phê duyệt trong năm 2024 theo nhiệm vụ được giao, trong đó sẽ cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng, phát triển đô thị thành phố Hải Phòng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, đáng sống, phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững đô thị Việt Nam theo nội dung được quy định tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng