Thái Nguyên: Thanh tra tỉnh kiến nghị tháo dỡ công trình cầu treo Đồng Liên
(Xây dựng) – Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng cầu treo Đồng Liên, nối xã Đồng Liên với phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên, đồng thời kiến nghị xử lý các đơn vị liên quan và tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật này.
Thanh tra kiến nghị tháo dỡ công trình cầu treo Đồng Liên do vi phạm, không có căn cứ pháp luật để khắc phục. |
Kế luận thanh tra nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng cầu treo Đồng Liên nối liền xã Đồng Liên với phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên (trước ngày 18/8/2017, xã Đồng Liên thuộc địa phận huyện Phú Bình) được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên lập dự án tại Văn bản số 695/UBND-SXKD ngày 18/5/2009 theo hình thức BOT với quy mô thiết kế tải trọng P = 3,5T (một xe trên cầu). Song, dự án chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận nhà đầu tư và đàm phán, ký kết hợp đồng dự án.
Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên thi công xây dựng cầu treo Đồng Liên năm 2009, đưa vào sử dụng thu phí qua cầu từ tháng 03/2010, khi dự án chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và công trình xây dựng hoàn thành chưa được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực. Đến ngày 22/8/2022, UBND thành phố Thái Nguyên có Thông báo số 262/TB- UBND ngừng sử dụng công trình cầu treo Đồng Liên.
Theo hồ sơ kế toán của Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên, giá trị xây dựng công trình cầu treo Đồng Liên là 6.533.712.174 đồng (chi phí xây dựng 5.703.647.934 đồng; chi phí tư vấn 830.064.240 đồng). Công ty đã thực hiện thu phí qua cầu từ tháng 01/2010 đến hết ngày 31/3/2021, với tổng số tiền đã thu là 6.076.358.101 đồng.
Trong quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ nhiều sai phạm tại công trình này, điển hình là trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng.
Cụ thể: Việc lập, phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng cầu treo Đồng Liên của Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên, không tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng như: Đơn vị thực hiện việc khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế không đảm bảo năng lực quy định tại các Điều 46, Điều 49, Điều 50 của Nghị định số 12/20009/NĐ-CP của Chính phủ; hồ sơ thiết kế không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế cầu quy định tại Tiêu chuẩn 22TCN 272-05; công ty không gửi hồ sơ dự án đến Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên thẩm định theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; công ty phê duyệt dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện công nhận là chủ đầu tư (dự án chưa được UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng dự án) và hồ sơ dự án chưa được Sở Giao thông vận tải thẩm định.
Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên còn vi phạm hành vi nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 10 Luật Xây dựng 2003 vì chọn đơn vị thi công không đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng, năng lực hoạt động xây dựng để thực hiện công việc. Đồng thời, trong công tác thi công xây dựng công trình, công ty không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật đối với tài liệu quản lý chất lượng của công trình, công tác giám sát và nghiệm thu chất lượng xây dựng.
Mặc dù bị cấm do mất an toàn, song nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi lại qua cầu Đồng Liên. |
Ngoài ra, kết luận cũng nêu: Công trình cầu treo Đồng Liên được đưa vào khai thác, sử dụng không theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Theo quy định tại mục III.3, Phụ lục 1 kèm theo Nghị định số 209/2004/NĐ- CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ; khoản 3 Mục I Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng: Công trình cầu treo Đồng Liên là công trình cấp I thuộc các công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng khi xảy ra sự cố do mất khả năng chịu lực có thể gây thảm họa đối với người, tài sản và môi trường bắt buộc phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực. Tuy nhiên, công trình cầu treo Đồng Liên khi đưa vào sử dụng, chưa có chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực.
Công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 01/2010, do vậy hồ sơ quản lý chất lượng và công tác nghiệm thu không thuộc điều kiện được quy định chuyển tiếp về quản lý chất lượng xây dựng được quy định các Nghị định: Số 15/2013/NĐ-CP, số 46/2015/NĐ-CP, số 61/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc tổ chức thực hiện đánh giá an toàn lần đầu của công trình cầu treo Đồng Liên không thuộc điều khoản chuyển tiếp được quy định tại Điều 20 Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 của Bộ Xây dựng: “Đối với công trình được đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật trên 8 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình lần đầu trong thời gian không quá 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực”, do công trình đưa vào khai thác, sử dụng không theo quy định của pháp luật như đã nêu trên.
Cầu treo Đồng Liên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do thi công không tuân thủ các quy định của pháp luật. |
Đối với việc thu phí đường bộ: Cầu treo Đồng Liên chưa đủ điều kiện thu phí đường bộ theo quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính, vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt việc hoàn thành xây dựng, đảm bảo chất lượng phục vụ giao thông.
Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên tự in, phát hành vé qua cầu, không báo cáo đầy đủ với cơ quan thuế, không giao vé đến tận đối tượng nộp phí (thời gian khoán thu) là vi phạm các quy định pháp luật về lập, cấp chứng từ thu và quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ.
Trên cơ sở thanh tra, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kiến nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Thái Nguyên: Yêu cầu Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên tháo dỡ công trình cầu treo Đồng Liên do những hạn chế, vi phạm đã nêu tại Kết luận, do không có căn cứ pháp luật để khắc phục vì: Dự án không thuộc quy định chuyển tiếp về đầu tư theo hình thức đối tác công tư – Hợp đồng BOT, nên không có cơ sở để UBND tỉnh đàm phán, ký kết ký hợp đồng dự án với Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên; công trình không thuộc quy định chuyển tiếp về quản lý chất lượng xây dựng, nên không có cơ sở hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, đánh giá nghiệm thu và đánh giá an toàn lần đầu để xác định đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực. Nếu tiếp tục khai thác, sử dụng, khi xảy ra sự cố do mất khả năng chịu lực có thể gây thảm họa đối với người, tài sản và môi trường. Các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm đối với những hạn chế, vi phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra.
Nguồn: Báo xây dựng