88,88% người dân được khảo sát cho biết, không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu
Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023).
Từ ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Chỉ số SIPAS năm 2023 với 45 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
Đáng quan tâm là người dân được khảo sát trong cả nước quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 76,06% – 81,19%, trong đó, chính sách điện sinh hoạt và chính sách trật tự, an toàn xã hội là hai chính sách được quan tâm nhiều nhất.
Toàn cảnh hội nghị. |
Kênh thông tin mà người dân sử dụng nhiều nhất để tiếp cận thông tin chính sách là qua đài, ti vi, báo chí, tiếp đến là qua hội, họp, sinh hoạt, thông báo tại khu dân cư. Tỷ lệ người dân sử dụng kênh thông tin để tiếp cận chính sách ở 63 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch rất lớn, với mức chênh lệch từ khoảng 62,91% – 80,65%, trong đó kênh thông tin loa phát thanh xã, phường có sự chênh lệch lớn nhất.
Tuy nhiên, mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Trong số người dân được khảo sát trong cả nước, 42,78% sẵn sàng tham gia góp ý chính sách, nhưng chỉ có 5,95% sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến qua mạng internet. Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh/thành phố có tỷ lệ người dân sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến qua mạng internet cao nhất cũng chỉ là 16,76% và tỉnh/thành phố có tỷ lệ thấp nhất là 1,08%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng, không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90% cho rằng, không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.
Người dân được khảo sát cũng hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung ở mức 82,49%, tăng so với năm 2022 (79,72%). Trong đó, mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách là 81,93%; mức độ hài lòng đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 81,83%; mức độ hài lòng đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền là 82,49%; mức độ hài lòng với kết quả, tác động của chính sách là 82,74%.
Mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung là 82,90%, tăng so với năm 2022 (80,43%). Các tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng cao nhất là: Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh và Hưng Yên; 5 tỉnh, thành phố thấp nhất là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Bắc Ninh và Nam Định.
Người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). 5 tỉnh, thành phố nhận được sự hài lòng cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; 5 tỉnh, thành phố thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. |
Năm 2023, có 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc…
Việc thu thập thông tin đo lường sự hài lòng của người dân được thực hiện thông qua khảo sát theo hình thức phát phiếu hỏi trực tiếp tới người dân. 40.230 người dân đủ 18 tuổi trở lên được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng từ 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố/ 585 xã, phường, thị trấn/195 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đo lường sự hài lòng của người dân được Bộ Nội vụ triển khai hàng năm từ năm 2015 đến nay. Năm 2023 là năm thứ hai triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công (từ 2021 trở về trước chỉ tập trung ở nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công).
9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; nước sinh hoạt; điện sinh hoạt; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; an sinh, xã hội và cải cách hành chính nhà nước.
Đối với dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ nói chung được cung ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp ở địa phương.
Nguồn: Báo lao động thủ đô