Kỳ 1: Đã thiếu còn bị chiếm dụng
Sự thiếu hụt không gian công cộng
Theo PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, không gian công cộng tiếp cận từ góc độ xã hội được xem là các không gian cho phép thoả mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí, tìm kiếm sự thư giãn thoải mái của các cá thể trong xã hội trong sự hoà mình vào xã hội. Sự tụ tập ở đây là do các cá thể tự nguyện đến và gặp nhau.
Các không gian công cộng có thể là một công viên, một quán trà hoặc cà phê dân dã hay thậm chí là một vỉa hè, một khoảng trống giữa các công trình và không liên quan đến hình thức sở hữu cũng như hình hài của không gian đó.
Hiện nay, tuy diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và hiện đại hơn nhưng không gian công cộng của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như bãi đỗ xe, các hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Tràn lan phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường (Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra). |
Đây là tình trạng diễn ra phổ biến ở nhiều đô thị khác của Việt Nam khi xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng diễn ra ngày càng phổ biến trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay. Hình ảnh các công viên vui chơi trở thành nơi bán hàng trà nước, vỉa hè trở thành bãi đỗ xe, lòng đường là nơi họp chợ… không còn xa lạ với người dân Thủ đô.
Hiện nay, mật độ dân số đông với 2398 người/km2, mật độ giao thông 105.2 xe/m2 cùng sức ép của đô thị hoá, người dân và trẻ em Thủ đô đang bị thiếu hụt không gian công cộng.
Ở nhiều khu dân cư, đô thị trên địa bàn Hà Nội, người dân hầu như không có không gian công cộng riêng của mình. Nhiều nhà đầu tư thường vì mục đích thương mại, tận dụng triệt để đất đai để xây dựng công trình mà ít quan tâm đến việc phục vụ cộng đồng như công viên, khu vui chơi cho trẻ, sân thể thao, nhà văn hoá.
Như trẻ em ngày xưa có thể chơi ngoài sân, vỉa hè trước nhà, khu tập thể… Ngày nay, những đứa trẻ đô thị chỉ biết tìm đến các khu vui chơi thương mại phải trả tiền, các trò chơi điện tử mà ít được vui chơi trong không gian công cộng để các em có thể vận động cơ bắp, tương tác với thiên nhiên.
Chị Đặng Phương Thảo, một người dân sống trên địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng cái sân kho, đến ngày mùa trẻ em ra sân kho cùng người lớn phơi thóc, phơi rơm. Đó còn là nơi đám con gái chúng tôi ngồi lê chơi đánh chuyền, nhảy dây, trốn tìm. Hay có những ngày chen chân xem chiếu bóng ở sân kho hợp tác xã, rồi những hôm tham gia sinh hoạt hè mướt mải mồ hôi… Giờ đây, sân kho vẫn còn đó nhưng bị trưng dụng để đỗ xe ô tô”.
Cần hành động để bảo vệ các “tài sản văn hoá”
Không gian công cộng, dù là địa điểm di sản hay đơn giản chỉ là sân chơi cho trẻ em luôn gắn với ký ức và quá khứ và là “tài sản văn hoá” của người dân. Những “tài sản văn hoá” này đang bị tư hữu hoá và mất đi cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ giữa những người dân sinh sống ở Hà Nội trở nên lỏng lẻo.
Không gian công cộng là một sản phẩm của lịch sử tại một thời điểm nhất định và rất cần sự chung tay của người dân để kiến tạo nên không gian sống cho bản thân.
Ông Lê Quang Bình – Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) nhận định: “Người Hà Nội đang sống trong những “chiếc hộp” nhà cao tầng, chung cư hiện đại. Còn công viên, bờ hồ hay các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng – nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc Hà Nội vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn. Tôi rất tâm đắc với so sánh cho rằng không gian công cộng của một thành phố cũng giống như không gian phòng khách của một ngôi nhà. Chúng ta cần không gian công cộng để giao lưu, kết nối, thực hành các hoạt động tập thể, đón tiếp khách thập phương, trình diễn nghệ thuật và quan trọng nữa là thực hành các lối sống khỏe mạnh như chạy bộ, tập thể dục”.
Hồ Gươm mở ra một không gian sáng tạo cộng đồng cho người dân Thủ đô và du khách. (Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra) |
Thế nhưng, khi phải đối diện với việc các “tài sản văn hoá” của họ đang bị xâm chiếm, tư hữu thì dường như người Hà Nội chọn cách hoài niệm và lưu giữ ký ức về Hà Nội hơn là nhận thức về “quyền” của mình đối với thành phố và hành động để bảo vệ các “tài sản văn hoá” của họ.
PGS. TS Phạm Quỳnh Phương – Viện Nghiên cứu Văn hoá cho biết: “Tôi đã dành 6 tháng để nghiên cứu về không gian công cộng của Thủ đô. Khi làm một cuộc khảo sát tại các diễn đàn, hội, nhóm của những người yêu Thủ đô, nếu đăng ảnh về Hà Nội những năm 20-30 của thế kỷ trước thì rất nhiều bình luận, quan tâm. Nhưng nếu là ảnh về các vấn đề bức xúc hiện nay thì nhận được rất ít tương tác. Điều đó cho thấy người dân yêu Hà Nội đang sống với những hoài niệm, ký ức về Hà Nội hơn là trăn trở về nó”.
Cũng theo PGS. TS Phạm Quỳnh Phương, những mô hình chung cư cao cấp, sự phát triển của các siêu thị và việc tư hữu hoá các không gian công cộng cho thấy giá trị thương mại đang trở thành một tiêu chí quan trọng của việc tái cấu trúc đô thị. Cùng với quá trình tư hữu hoá hay “xã hội hoá”, Hà Nội đang sản sinh ra nhiều các không gian thương mại – không gian được coi là “công cộng” mới với nhiều người Hà Nội. Những siêu thị lớn hay trung thâm thương mại thường đông nghịt vào những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ.
Trong sự ngột ngạt ô nhiễm của môi trường, sự thiếu hụt không gian công cộng, “đi chơi siêu thị” đã trở thành một thực hành giải trí mới với người dân ở Hà Nội. Siêu thị đã không chỉ còn đóng chức năng cơ bản là nơi bán hàng, mua hàng, mà bất đắc dĩ đóng vai trò không gian công cộng để “chơi” và tụ họp.
Theo các chuyên gia, nếu được tổ chức tốt, những không gian công cộng có thể trở thành biểu tượng của một khu phố, một thành phố, hay của cả một quốc gia. Hồ Gươm là một điển hình cho điều đó.
Trong đó, phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra không gian sáng tạo cộng đồng cho người dân Thủ đô và du khách. Nơi đây thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, giải trí như tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn các nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đương đại, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trên cả nước… Ngoài ra, còn có những sự kiện văn hoá quốc tế được du khách đánh giá cao như chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng London, Triển lãm hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội, Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội… Có thể khẳng định, Hồ Gươm là một không gian cộng đồng được khai thác tương đối tốt, trở thành biểu tượng của không chỉ riêng Thủ đô mà cả đất nước.
Phương Bùi
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo lao động thủ đô