Lệ Thủy (Quảng Bình): Mỏ cải tạo đất “quên” phục hồi môi trường vì gặp đá?
(Xây dựng) – Sau khi hết hạn, một mỏ cải tạo đất tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) không thực hiện hoàn trả mặt bằng, trồng cây phục hồi môi trường theo phương án đã được cấp phép trước đó.
Mỏ cải tạo đất không hoàn trả mặt bằng sau khai thác tận thu đất. |
Ngày 7/6/2018, UBND huyện Lệ Thủy đã có Quyết định số 2496/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp đã giao cho ông Trương Tân Lệ, kết hợp khai thác tận thu đất san lấp tại thửa đất số 1497, tờ bản đồ số 25, xã Trường Thủy.
Theo Quyết định này của UBND huyện Lệ Thủy, ông Trương Tấn Lệ được thực hiện cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp đã giao với diện tích hộ gia đình xin cải tạo đất mặt bằng trồng rừng là 12.895,2m², tại thửa đất số 1497, tờ bản đồ số 25, đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CH 134771 ngày 04/5/2017. Hiện trạng khu vực xin cải tạo cây keo có độ tuổi 2 năm, mật độ thưa thớt, thửa đất có độ dốc cao so với mặt bằng chung nên tiến hành cải tạo để trồng cây. Khối lượng đất tận thu là 20.158,6m³, thời gian thực hiện là 12 tháng. Khi thực hiện cải tạo yêu cầu hộ gia đình để lại lớp đất phong hóa và để lại 4 điểm của khu vực ở hiện trạng ban đầu để sau khi tận thu có cơ sở xác định độ sâu khai thác.
Được biết thời điểm này, hộ gia đình ông Trương Tận Lệ đã ký hợp đồng cung ứng đất san lấp với Công ty TNHH Hoàng Phúc. Đất tận thu tại mỏ cải tạo này phục vụ san lấp, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy.
Sau khi tận thu đất hiện mỏ còn lại đồi đá. |
Đến ngày 01/4/2022, ông Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy tiếp tục ký Quyết định số 891/QĐ-UBND, về việc phê duyệt bổ sung phương án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp đã giao cho ông Trương Tấn Lệ cùng thửa đất trên.
Theo quyết định gia hạn này, UBND huyện Lệ Thủy cấp phép ông Trương Tấn Lệ cải tạo mặt bằng thêm 9.857m² với thời gian 6 tháng, có khối lượng đất tận thu là 41.872m³ phục vụ san lấp công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư xã Phong Thủy và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất khu đất ở (lô I-OM4) thị trấn Kiến Giang và Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy và một số công trình mới khác trên địa bàn.
Quyết định nêu rõ, sau khi kết thúc việc cải tạo mặt bằng tận thu đất san lấp theo hồ sơ bổ sung phương án, hộ gia đình phải hoàn trả lại lớp đất phong hóa theo Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 07/6/2018 của UBND huyện, về việc phê duyệt phương án cải tạo mặt bằng tận thu đất san lấp tại thửa đất 1497, tờ bản đồ số 25, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy; phải thực hiện báo cáo hoàn công sau cải tạo mặt bằng và khai thác đất san lấp để địa phương kiểm tra, giám sát thực hiện; phục hồi môi trường đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật.
Lý do mỏ cải tạo đất này vẫn chưa trồng cây phục hồi môi trường là vì đá? |
Thế nhưng, sau khi khai thác tận thu đất xong thì mỏ cải tạo đất này đã không hoàn trả mặt bằng, không trồng cây keo và cây tràm phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phan Hữu Tình – Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho hay: “Chỗ này không có khả năng phục hồi môi trường nữa, vì sau khi đào hết đất đi giờ còn toàn đá, không có phương tiện để phá đá, không thể trồng cây được do vậy họ để đó đến nay. Công tác hoàn thổ, hoàn trả mặt bằng, xã cũng phải kiểm tra giám sát, nhưng giờ toàn đá nên không thể xử lý được”.
Đến bao giờ mỏ đất cải tạo này mới được hoàn trả mặt bằng? |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tường – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy cho biết: “Mỏ đất này đơn vị khai thác xin gia hạn, để bốc chỗ đá đó đi mới có thể hoàn thổ được, hiện đã nộp 400 triệu đồng tiền thuế. Khi cải tạo mà không gặp đá thì khối lượng ít, nhưng gặp đá nên bổ sung thêm khối lượng để họ bốc chỗ đá đó đi. Máy lên làm không được và người dân xung quanh phản đối. Khu vực gia hạn này đến nay cũng đã hết hạn, nếu họ muốn tiếp tục gia hạn thì cũng phải đồng ý để họ xử lý chỗ đá này sau đó mới trồng cây được”.
Điều đáng nói, tại mỏ cải tạo đất này còn có những vị trí không có đá, nhưng công tác hoàn thổ và trồng cây cũng không được thực hiện. Nói đến vấn đề này ông Tường lý giải, đơn vị khai thác chờ cải tạo xong rồi mới thực hiện hoàn thổ và trồng cây.
Nguồn: Báo xây dựng