Mua nhà ở Mỹ, châu Âu giá 25.000 đồng

Mua nhà ở Mỹ, châu Âu giá 25.000 đồng

Trái ngược với tình trạng giá bất động sản ở nhiều khu vực đang tăng “phi mã” thì tại một số quốc gia, sự suy giảm dân số khiến chính quyền địa phương buộc phải rao bán các căn nhà với giá 1 USD (khoảng 25.000 VNĐ).

Nhiều ngôi nhà được rao bán với giá 1 USD

Mỹ

Ở hầu hết thành phố tại Mỹ, 1 USD không thể mua nổi một tách cà phê. Tuy nhiên, một số thành phố tại đây lại đang triển khai chương trình bán các căn nhà bỏ trống với giá 1 USD, miễn là người mua cam kết sửa chữa nó.

Với nỗ lực đem lại sức sống cho các khu dân cư không có người ở, chính quyền thành phố Baltimore (tiểu bang Maryland, Mỹ) đang triển khai sáng kiến bán những ngôi nhà bỏ hoang với giá chỉ 1 USD.

Theo Bloomberg, mới đây, hơn 200 bất động sản bỏ trống thuộc sở hữu thành phố Baltimore đang được rao bán. Người mua chỉ cần bỏ ra đúng 1 USD để sở hữu, sau đó có thể khôi phục những ngôi nhà bỏ hoang trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây.

nha-2

Những căn nhà không người ở tại Baltimore (Maryland, Mỹ)

Chương trình hướng tới đối tượng mua chủ yếu là các cá nhân và các quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, các nhà phát triển và tổ chức phi lợi nhuận lớn cũng có thể mua những ngôi nhà bỏ trống này với giá 3.000 USD, các tổ chức phi lợi nhuận nhỏ chỉ phải trả 1.000 USD.

Tờ Baltimore Sun cho biết mức giá này chỉ áp dụng đối với những bất động sản thuộc sở hữu của thành phố, vì không phải tất cả bất động sản không người ở tại Baltimore đều thuộc sở hữu của chính quyền.

Chính quyền thành phố cho biết cơ hội này chỉ đến một lần duy nhất. Tuy nhiên, với gần 15.000 bất động sản bị bỏ hoang đang tàn phá cảnh quan Baltimore (tính đến năm 2022), công cuộc đổi mới đô thị trước mắt vẫn còn gian khổ và khó khăn.

Một thành phố khác cũng đang tìm cách thu hút người mua nhà với những căn trị giá 1 USD là thành phố ven biển Newark của tiểu bang New Jersey.

Các quan chức thành phố này lần đầu tiên tổ chức quay xổ số đối với các tài sản thuộc sở hữu của thành phố. Bảy người chiến thắng sẽ được chọn mua nhà giá 1 USD. Tuy nhiên, những ngôi nhà này có căn đã bị xuống cấp, cần được cải tạo và bị thành phố tịch thu vì không trả được nợ và nợ công.

Theo hãng tin ABC, Thị trưởng Newark Ras Baraka cho biết mặc dù chỉ có 7 ngôi nhà được đưa vào đợt quay xổ số đầu tiên này, nhưng vẫn còn nhiều bất động sản khác sắp ra mắt.

Để đủ điều kiện tham gia sở hữu nhà, người mua phải sống ở Newark ít nhất 5 năm hoặc là cư dân thành phố phải di dời do quá trình đô thị hóa. Những người mua căn nhà trị giá 1 USD phải cam kết sống ở đó ít nhất 10 năm và trải qua quá trình tư vấn mua nhà.

35

Thành phố Newark (New Jersey, Mỹ) cũng tham gia vào “làn sóng” bán nhà giá 1 USD cho người dân

Theo Zillow, giá nhà trung bình ở thành phố Newark là 428.985 USD, tăng 6,6% so với năm 2023. Theo văn phòng thị trưởng, chỉ có 25% cư dân Newark là chủ sở hữu nhà.

Trước đó, thành phố St. Louis (Missouri), Buffalo (New York) hay Gary (Indiana) cũng đã thực hiện một kế hoạch tương tự, với mục tiêu hướng tới các giải pháp đổi mới nhằm chống lại tình trạng suy thoái đô thị.

Không chỉ ở Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng tham gia vào xu hướng bán nhà giá rẻ.

Pratola Peligna – thị trấn nhỏ ở vùng Abruzzo, các thị trấn ở hòn đảo Sicily,… đều là những địa điểm nổi tiếng ở Italia với những căn nhà có giá 1 euro (khoảng 1,07 USD). Sở dĩ những ngôi nhà ở đây được bán rẻ như cho vì dân số trong khu vực ngày càng giảm.

Không ít người dân ở các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Australia,… đã đổ xô về các khu vực tại Italia để “săn” những ngôi nhà 1 euro.

Các ngôi nhà được rao bán với giá rẻ thường là những ngôi nhà đã bỏ hoang, trong tình trạng hư hỏng hoặc có thiết kế xấu, tồi tàn. Người mua nhà ở các địa điểm này thường phải cam kết sẽ tu sửa nhà và ở trong thời gian nhất định trước khi được quyền mua nhà giá rẻ.

di

Những ngôi nhà 1 USD nằm trong dự án cải tạo các thị trấn ở Italia

Thị trấn nhỏ bé Legrad nằm gần biên giới Crotia với Hungary, nơi có chưa đến hai ngàn cư dân sinh sống, các ngôi nhà được bán với giá 0,13 euro (tương đương hơn 3.400 đồng).

Chính quyền địa phương đã thông báo chính sách mới được triển khai nhằm thu hút các gia đình trẻ đến sinh sống tại thị trấn đang lụi tàn này. Tuy nhiên, chương trình không áp dụng cho tất cả công dân Croatia, mà chỉ dành cho các cặp vợ chồng dưới 45 tuổi, đang trong quan hệ hôn nhân (hoặc ngoài hôn nhân), không có tiền án tiền sự và chưa sở hữu bất kỳ bất động sản nào khác.

Mua nhà giá 1 USD có thực sự “hời”?

Theo The Sun, các bất động sản kiểu này đã gây chú ý trong vài năm qua. Tuy nhiên, sau khi mua lại căn nhà, những gì bạn cần chi ra tiếp theo sẽ cao hơn con số 1 USD rất nhiều lần. Không ít người cho biết đã chịu mất số tiền lớn vì không đủ tài chính để cải tạo.

Để mua nhà với giá này, người dân phải chi khoản lớn tiền nhân công, vật liệu,… để tu sửa. Ngoài ra, họ cũng phải đóng một số khoản phí khác như phí nộp đơn tham gia mua nhà, phí bảo hiểm, phí đăng ký tài sản, pháp lý… Mọi thứ có thể lên tới hàng nghìn USD. Với những người nước ngoài đến mua nhà, đôi khi họ sẽ phải trả thêm phí môi giới và chi phí đi lại giữa 2 quốc gia để giám sát việc xây dựng.

di (1)

Chi phí tu sửa những căn nhà 1 USD khá tốn kém

Chẳng hạn như ở Italia, quy tắc mua nhà giá 1 USD ở từng vùng sẽ khác nhau. Nhưng đa số sẽ yêu cầu người mua đặt cọc chi phí khoảng 5.600 USD để đảm bảo chủ mới phải cải tạo chúng. Ở Pratola Peligna, người mua không bị yêu cầu cọc 5.600 USD. Thay vào đó, họ phải ký cam kết chịu phạt khoảng 11.000 USD nếu không trình được kế hoạch xây dựng trong 6 tháng đầu.

Theo giới chức địa phương, đây là cách họ tránh “tình huống xấu nhất” – tức là những người mua sẽ biến mất sau khi trả vỏn vẹn 1 USD. Và như thế, thị trấn sẽ vẫn tồi tàn như cũ.

Bạn cũng có thể thích