Không để người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt mùa khô, hạn
(Xây dựng) – Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. |
Các tỉnh ven biển đang đối mặt thiếu nước ngọt sinh hoạt…
Hầu hết các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang đối mặt với xâm nhập mặn thiếu nước ngọt để sinh hoạt hàng ngày. Cà Mau là một trong những tỉnh bị mặn xâm nhập nhiếu nhất ảnh hưởng đến đời sống cư dân. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tháng 3/2024, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 3.740 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước dùng trong sinh hoạt. Do thiếu nước ngọt sinh hoạt, người dân phải mua nước ngọt với giá 40.000 – 50.000 đồng/m3 trong khi nước sạch do nhà nước cung cấp giá khoảng hơn 7.000 đồng/m3.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh Cà Mau triển khai việc cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán (1.344 hộ). Giải pháp là cấp phát một bồn nhựa loại chứa 1m3 để trữ nước cho các hộ đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước, cần sự hỗ trợ (758 hộ). Còn 586 hộ còn lại cần thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng tại các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông, Trần Hợi (Huyện Trần Văn Thời); Biển Bạch (Huyện Thới Bình); Việt Thắng, Việt Khái (Huyện Phú Tân); Đất Mới, Lâm Hải (Huyện Năm Căn); Trần Thới (Huyện Cái Nước). Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau bố trí gấp nguồn vốn hơn 39 tỷ đồng để thực hiện giải pháp khẩn cấp cho nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán và nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để giải quyết nhu cầu thiếu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn, trong đó các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình sẽ được hỗ trợ mua các dụng cụ chứa nước cho người dân. Đồng thời, một phần nguồn chi này sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dùng mở rộng hệ thống đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Tại Tiền Giang là tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng bởi tình hình hạn mặn và thiếu nguồn nước sử dụng ở khu vực phía Đông. Những ngày qua, nắng nóng, làm kênh rạch trơ đáy, hạn mặn ngày xâm nhập sâu hơn làm ảnh hưởng sinh hoạt đời sống và sản xuất của cư dân Tiền Giang. Tại huyện Tân Phú Đông, nguồn nước kênh, ao đã nhiễm mặn và can kiệt, trong khi nhu cầu dùng nước của người dân đang tăng lên rất cao.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Để tháo gỡ tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho cư dân, chính quyền huyện Tân Phú Đông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ huyện vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để bơm vào các ao Phú Thạnh và Tân Thới. Tỉnh Tiền Giang đã mở hàng chục vòi nước công cộng để người dân sử dụng miễn phí nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu nước…
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020. Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các mức độ khác nhau.
Quân khu 9 vận chuyển nước cung cấp cho người dân Cà Mau (Ảnh TTXVN). |
Giải pháp nào để thích ứng mùa nắng nóng nước mặn xâm nhập?
Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa khô, nắng nóng kéo dài, nước sông Mekong cạn kiệt là nước mặn xâm nhập vào các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Điệp khúc mùa nắng nóng nước mặn xâm nhập không còn xa lạ với cư dân các tỉnh ven biển và hàng năm cứ lặp đi lặp lại nhưng có điều đáng quan tâm hơn là nước mặn ngày xâm nhập sâu vào các tỉnh trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới. Để hạn chế và đối phó với tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất mỗi khi vào mùa khô nắng nóng nước mặn xâm nhập, Trà Vinh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập để kịp thời thông tin, dự báo, cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi; quản lý, kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, triển khai có hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập. Đối với lĩnh vực trồng trọt, rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ sản xuất phù hợp, tránh thời điểm hạn hán, mặn xâm nhập gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng, nhất là vụ lúa Đông – Xuân hàng năm.
Tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng, sử dụng giống thích nghi với điều kiện hạn, mặn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt, tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương, tưới ướt khô xen kẽ… để tiết kiệm nước. Khuyến cáo các hộ người dân không sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, trái lịch thời vụ ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới; đối với cây màu chỉ xuống giống ở những vùng canh tác truyền thống và chủ động được nguồn nước tưới. Riêng cây ăn trái, cây lâu năm, người dân cân đối nguồn nước cần thiết trong thời gian bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho cây trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng Trà Vinh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch cấp nước đảm bảo nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mùa khô, trong đó chú trọng các giải pháp kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước của các nhà máy, trạm cấp nước; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để kịp thời khắc phục những hư hỏng trên các tuyến ống, đảm bảo vận hành liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, mở rộng tuyến ống cấp nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khi xảy ra tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập, nhất là ở địa bàn xảy ra gay gắt như: Huyện Càng Long, huyện Châu Thành, huyện Cầu Ngang, huyện Cầu Kè, huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải. Đài Khí tượng Thủy văn Trà Vinh đo kiểm tra độ mặn; kịp thời dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xâm nhập mặn đến các ngành, địa phương và người dân biết, chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Tuy hiện nay, các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp ngăn xâm nhập mặn, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho cư dân nhưng không thể nào giải quyết được điệp khúc mùa khô, nắng nóng, nước mặn xâm nhập, cư dân thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù nhiều năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng vẫn chưa thể thích ứng được. Bởi hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt thường xuyên diễn ra hàng năm.
Tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, mới đây, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thuỷ lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; khẩn trương kết nối các hệ thống thuỷ lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long theo lưu vực sông, tiến tới người dân mở điện thoại di động cũng có thể biết được thời điểm phù hợp để lấy nước vào ruộng lúa, vườn cây; nhân rộng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ mỗi hộ gia đình, cụm dân cư. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu thuỷ văn toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống thiên tai; khẩn trương công bố và cập nhật kịch bản nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mekong…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bằng nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thuỷ lợi, phi công trình để kiểm soát tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, với sự chủ động, cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, hướng dẫn điều hành sản xuất mùa vụ, nên hầu hết các địa phương không bị ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có xảy ra, nhưng mang tính cục bộ, người dân cơ bản được tiếp cận và cung cấp đủ.
“Nắng nóng, xâm nhập mặn năm nay gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nhưng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình, phi công trình, như chỉ đạo điều chỉnh mùa vụ, phát huy nguồn lực tại chỗ, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân… Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các địa phương, dựa trên báo cáo, thông tin từ sớm và chính xác của các cơ quan chuyên môn”, Phó Thủ tướng nói.
Người dân xin nước sinh hoạt vào mùa khô hạn đã trở nên quen thuộc hàng năm. |
Đối với vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung, có các trạm lấy nước nằm sâu trong vùng ngọt; đồng thời sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, kết hợp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mùa vụ…
“Chúng ta cần thiết kế các ứng dụng (app) thông tin thời tiết, tình hình xâm nhập mặn theo bản đồ thời gian thực để từng cộng đồng, người dân chủ động tích trữ nước sản xuất, sinh hoạt theo thời điểm thích hợp cùng với điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu và phổ biến những loại vật liệu mới, nhẹ để xây dựng các bể chứa nước lớn, thuận tiện, thân thiện môi trường”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Nguồn: Báo xây dựng