Thu mỗi năm 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi chim bồ câu
Ghé thăm trang trại nuôi chim bồ câu của anh Trần Văn Phong, ấn tượng đầu tiên đó là chuồng trại được đầu tư kiên cố, từng dãy lồng được sắp xếp gọn gàng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ô nhỏ. Bên trong mỗi ô là 1 cặp chim bồ câu. Toàn bộ chuồng trại được lắp đặt hệ thống cấp nước uống tự động.
Anh Trần Văn Phong đang kiểm tra thiết bị cung cấp nước tự động tại mô hình. |
Anh Phong chia sẻ, sau một lần xem tivi nói về một trang trại nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao, anh Phong thấy hứng thú với nghề này và bắt đầu sưu tầm tài liệu, tìm hiểu cách nuôi. Khi đã có chút kiến thức, anh lặn lội tới các trang trại đã nuôi chim bồ câu thành công để học hỏi kỹ thuật. Ngoài ra, anh dành nhiều thời gian lên mạng nghiên cứu về đặc tính sinh học của chim bồ câu, lập ra bản kế hoạch rõ ràng.
Cuối năm 2010, với số vốn ban đầu hơn 200 triệu đồng, anh bàn với gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 200 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi theo mô hình công nghiệp trên diện tích hơn 2.000m2. Anh bố trí nuôi khoảng 50% tổng đàn trong lồng công nghiệp và 50% trong nhà lưới.
Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi chim bồ câu sinh sản có hiệu quả thì phải chú trọng đến tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi. Một trong những khâu quan trọng là chọn giống chim bố mẹ và chăm cho đến khi chúng sinh sản. Giống bồ câu anh chọn nuôi đều là giống dễ nuôi, nhanh lớn, mắn đẻ, ít dịch bệnh, chăm con khéo phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương.
Mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Trần Văn Phong. |
Để tăng tỷ lệ trứng nở cao, con non khỏe, tránh được tình trạng hao hụt do dập vỡ trứng, sau một thời gian nuôi và học hỏi kinh nghiệm từ các trại khác, anh sử dụng máy ấp trứng nhân tạo thay thế cho việc ấp tự nhiên. Khi chim bố mẹ đẻ trứng, toàn bộ trứng sẽ được lấy ra, đưa vào máy ấp trứng, đồng thời trứng nhân tạo sẽ được đưa vào ổ thay thế cho trứng thật.
Lúc này chim bố mẹ vẫn tiếp tục quá trình ấp trứng, tiết sữa diều như bình thường. Khi con nở sẽ được đưa trở lại chuồng cho chim bố mẹ nuôi. Một bí quyết nữa đó là anh áp dụng quy trình ghép con để nuôi.
Hiện trang trại của anh có hơn 7.000 đôi chim bồ câu đang sinh sản và chim giống hậu bị. Theo kinh nghiệm của anh, để chim phát triển và sinh sản tốt, cần phải có chế độ chăm sóc hợp lý, thức ăn chủ yếu là thóc, ngô kết hợp với cám chim đẻ theo tỷ lệ nửa cám, nửa ngô, thóc. Để đạt năng suất cao, cứ 3 đôi chim đẻ trứng cùng thời điểm, anh dồn lại cho vào máy ấp, sau đó tăng thêm thức ăn để chim đẻ trở lại.
Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, mỗi năm từ 6 – 8 lứa. Khoảng một tháng rưỡi, gia đình anh xuất bán một lứa, đối với chim giống (giá từ 170 – 200 nghìn đồng/đôi); từ 20 – 25 ngày đối với chim thịt (giá từ 130 – 180 nghìn đồng/đôi).
Toàn bộ chuồng trại được lắp đặt hệ thống cấp nước uống tự động. |
Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường, anh đứng ra làm đầu mối thu mua chim giống và chim thịt của các hộ đã mua giống và chăn nuôi theo quy trình do anh hướng dẫn. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi thêm gà, lợn, để tận dụng nguồn thức ăn từ phế phụ phẩm cây trồng. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Nhận xét về mô hình nuôi bồ câu của gia đình anh Phong, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu cho biết: Là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Trung Châu, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình chăn nuôi, anh Phong thường xuyên tư vấn về kỹ thuật làm chuồng trại, cách chăm sóc chim bồ câu cho những người dân xung quanh để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Phong đã trở thành địa chỉ để nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.
Qua quá trình nuôi, nhận thấy nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cùng với đó là chim nuôi nhốt, chỉ cần diện tích nhỏ cũng có thể phát triển số lượng đàn lớn, anh Phong dự định, từ nay đến cuối năm, anh sẽ cải tạo, xây dựng mở rộng diện tích trang trại khoảng 1.000m2 để nâng tổng đàn lên 8.000 – 9.000 đôi chim bồ câu sinh sản vào đầu năm tới.
Nuôi chim bồ câu đang trở thành hướng đi mới hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh Phong, ngoài đam mê thì khi chăn nuôi cần phải có định hướng và tìm hiểu thị trường và áp dụng kỹ thuật, tiến bộ công nghệ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô