Đề xuất sửa quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung khoản 4 Điều 3 về các tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc để thống nhất với khoản 2 Điều 23 Luật tổ chức tín dụng 2024 quy định: Ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư sửa đổi Điều 7 về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như sau:
Thứ nhất, tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 39 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng hỗ trợ) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Thứ hai, tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng nhận chuyển giao) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Thứ ba, mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 và 2 nêu trên được tính trên cơ sở tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này và áp dụng đối với tất cả các loại tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.
Theo NHNN, dự thảo bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với điểm p khoản 1 Điều 185 Luật tổ chức tín dụng 2024 quy định quyền của bên nhận chuyển giao: Được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi trách nhiệm của các đơn vị để đồng bộ với việc quy định bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tại Điều 7 nêu trên.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu