Đoàn công tác tỉnh Bình Định thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
(Xây dựng) – Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 9/4, Đoàn công tác tỉnh Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng làm Trưởng đoàn đã buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đón tiếp đoàn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (bên trái) trao đổi cùng Đại sứ Phạm Quang Hiệu (bên phải). |
Trao đổi cùng Đại sứ, Bí thư Hồ Quốc Dũng đã thông báo nhanh những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua. Đồng thời giới thiệu tiềm năng phát triển của Bình Định, đặc biệt là môi trường đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại Bình Định, như: Giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất; nguồn lao động; dòng vốn cung ứng cho các doanh nghiệp… khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng mong muốn Đại sứ sẽ giới thiệu tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có triển vọng, phù hợp với những lĩnh vực đầu tư tỉnh đang mời gọi, kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đến Bình Định.
Đoàn công tác Bình Định chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. |
Đại sứ Phạm Quang Hiệu đánh giá rất cao những thế mạnh của tỉnh Bình Định. Đại sứ cho biết, mỗi thành phố của Nhật Bản đều có thế mạnh ngành nghề riêng, việc tỉnh xác định các ngành nghề ưu tiên, đầu tư trọng điểm cần thu hút là rất cần thiết.
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, để phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Bình Định cần tận dụng lợi thế cạnh tranh độc đáo của từng thành phố tại Nhật Bản. Trong đó cần chọn lọc và tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề chủ chốt, phù hợp với thế mạnh riêng biệt của mỗi thành phố ở Nhật.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã thảo luận cùng Đại sứ các dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề mà Bình Định đang ưu tiên thu hút và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư Nhật Bản như: Công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện – điện tử; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh…
Nguồn: Báo xây dựng