Nông nghiệp BaF Việt Nam lên kế hoạch tăng vốn 1.000 tỷ đồng
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa công bố các tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2024.
Theo tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Nông nghiệp BaF Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu thận trọng với mức tăng 7% so với năm trước, dự kiến doanh thu thuần ở mức 5.543,9 tỷ đồng.
Công ty kỳ vọng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức đạt 305,9 tỷ đồng, cao gấp 9,9 lần năm 2023.
Được biết, BAF Việt Nam có truyền thống lên kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng kết quả đạt được lại ở mức khiêm tốn. Đơn cử, lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đạt 288 tỷ đồng, hoàn thành 71,4% kế hoạch, năm 2023 lãi 30,8 tỷ đồng, chỉ thực hiện 10,2% kế hoạch đề ra…
Đối với mảng chăn nuôi, công ty kỳ vọng đem về doanh thu dự kiến đạt 3.399,9 tỷ đồng và 270,6 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 88,4% tổng lợi nhuận kế hoạch. Tổng sản lượng heo dự kiến bán ra thị trường là 609.509 con (heo thịt là 587.771 con và heo giống loại là 24.738 con).
Hiện nay, BAF đang phát triển trang trại chăn nuôi heo theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng tổng đàn theo mô hình hiện đại và công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn Global GAP, vận hành và quản lý đàn heo khoa học. Các sản phẩm chế biến từ thịt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và giá trị gia tăng.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, BAF đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay ở mức 144 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,27 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu mảng kinh doanh nông sản dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 32 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,5% tổng lợi nhuận sau thuế.
BAF cho biết sẽ đầu tư nâng cao trang thiết bị, năng lực sản xuất của Nhà máy cám Tây Ninh để đạt công suất tối đa 250.000 tấn/năm.
Trước đó, BAF đã trải qua năm 2023 kinh doanh với nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành chăn nuôi. Giá thị heo giảm sâu và ở mức thấp, tiêu thụ sụt giảm, sức mua yếu… Cùng với việc các trang trại mới được đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu, điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ bán vào năm 2024.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, doanh thu thuần của BAF chỉ giảm nhẹ về 5.199 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán điều chỉnh tăng từ 23,38 tỷ đồng trên báo cáo tự lập lên mức 30,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 30%. Dù vậy, kết quả này vẫn sụt giảm 90% so với lợi nhuận của năm 2022.
Năm nay, để tăng sản lượng tiêu thụ, BAF Việt Nam sẽ chú trọng mở rộng kênh phân phối sản phẩm tại các siêu thị lớn như Big C, AEON; thực hiện liên kết với nông dân phát triển đàn heo; sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển trang trại với mục tiêu là đạt vị trí top 3 trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam vào năm 2030…
Công ty sẽ phát triển trang trại, nâng quy mô đàn lợn lên gấp đôi so với đầu năm, tức heo nái tăng từ 37.000 lên 75.000 con, heo thịt lên hơn 300.000 con nái/thịt. Một nội dung đáng chú ý là BAF sẽ trình Đại hội cổ đông năm 2024 thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện phương án phát hành gần 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn.
Thứ nhất là BAF phát hành hơn 68,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,476767 (cổ đông nắm giữ 01 cổ phiếu sẽ được hưởng 01 quyền, 1 triệu quyền sẽ được mua thêm 476.767 cổ phiếu). Giá chào bán là 10.000 đồng/CP, dự kiến huy động thêm hơn 684,2 tỷ đồng.
Thứ hai là phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động năm 2023 (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng phát hành thêm 7.176.000 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến huy động được là 71,76 tỷ đồng.
Thứ ba là phát hành trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 17% tương ứng tổng số lượng phát hành là 24,4 triệu cổ phiếu.
Kể từ khi cổ phiếu BAF niêm yết trên sàn HoSE ngày 3/12/2021, công ty chưa bao giờ trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, nhưng liên tục phát hành cổ phiếu để huy động vốn, tăng vay nợ để mở rộng trang trại. Ngay cả việc phân phối lợi nhuận hàng năm cũng được thực hiện chia bằng cổ phiếu, khiến cho thị giá BAF bị pha loãng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BAF hiện giao dịch quanh vùng 27.300 đồng/CP, hồi phục tăng 71% so với đáy lịch sử năm 2022. Mức giá cao trên sàn là yếu tố thuận lợi giúp công ty triển khai các đợt phát hành cổ phiếu lớn.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của BAF Việt Nam tăng thêm 1.804 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 6.533,6 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho bất ngờ tăng gấp đôi lên tới 1.593 tỷ đồng so với mức 881 tỷ đồng của năm 2022. Các khoản phải thu giảm hơn 400 tỷ đồng xuống còn 1.105 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm qua công ty này đã tăng mạnh quy mô nợ phải trả lên 4.625 tỷ đồng, tăng gần 55% so với năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 65%, tương ứng 3.011 tỷ đồng. Nợ dài hạn chiếm hơn 1.614 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên mức 1.908 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận đến cuối năm 2023 là 325 tỷ đồng.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu