Tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ
Nền kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế trong đó các nền tảng cho phép nhà cung cấp và người dùng trao đổi sản phẩm và tài sản. Theo đó tìm cách đưa các nguồn tài nguyên chưa được tận dụng ra thị trường và hỗ trợ 7 trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc bằng cách kết nối trao đổi tài nguyên. Đó là các mục tiêu (1) Không có nghèo đói; (2) Sức khỏe tốt và hạnh phúc; (8) Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế; (9) Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng; (10) Giảm bất bình đẳng; (11) Thành phố và cộng đồng bền vững; (12) Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.
Nền kinh tế chia sẻ được đánh giá là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới với tiềm năng trở thành nhân tố chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã thành lập ban kỹ thuật chuyên ngành, ISO/TC 324, Nền kinh tế chia sẻ, chịu trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ sự vận hành an toàn và đáng tin cậy của nền kinh tế chia sẻ cũng như thúc đẩy, phát triển nền kinh tế chia sẻ trên toàn thế giới.
Năm 2021, tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ISO 42500 “Nền kinh tế chia sẻ – Nguyên tắc chung” đã chính thức ra đời. Tiêu chuẩn này nêu các khái niệm chính và nguyên tắc bao quát áp dụng cho tất cả ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ, làm cơ sở cho các tiêu chuẩn cụ thể sau này.
Năm 2022, ISO tiếp tục công bố ISO/TS 42501 “Nền kinh tế chia sẻ – Các yêu cầu chung về độ tin cậy và an toàn cho nền tảng kỹ thuật số” và ISO/TS 42502 “Nền kinh tế chia sẻ – Nguyên tắc xác minh nhà cung cấp trên nền tảng kỹ thuật số” với mục tiêu bảo vệ người dùng, nhà cung cấp và nền tảng.
Hiện tại, một số dự thảo cũng đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng như: ISO/AWI 42503 “Nền kinh tế chia sẻ – Khuôn khổ triển khai”; ISO/WD TR 42504 “Nền kinh tế chia sẻ – Các ví dụ minh họa về xác minh nhà cung cấp trên nền tảng kỹ thuật số; ISO/AWI TR 42504 Kinh tế chia sẻ – Sản xuất chia sẻ – Khái niệm và mô hình”; ISO/AWI TR 42507 “Kinh tế chia sẻ – Các trường hợp sử dụng nền tảng kinh tế chia sẻ trong khu vực công”.
Ban kỹ thuật ISO/TC 324 hiện có sự tham gia đóng góp của 35 quốc gia thành viên, trong đó 16 thành viên chính thức và 19 thành viên quan sát. Vai trò Ban thư ký do Cơ quan tiêu chuẩn Nhật Bản (JISC) đảm nhiệm. Ngoài các nhóm về tư vấn, chính sách, truyền thông, ISO/TC 324 đang phân chia công việc cho 4 nhóm công tác. Ban quy tụ các chuyên gia về kinh tế chia sẻ đến từ các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ, học giả, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia và các cơ quan chính phủ. Nỗ lực của ban là nhằm thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ và từ đó thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc thông qua các tiêu chuẩn toàn cầu.
Thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Nó được manh nha vào năm 1995 tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng chưa rõ rệt. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, khiến người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn.
Mô hình kinh tế chia sẻ khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người,… và nó đã giúp cho nhiều người có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. Thuật ngữ kinh tế chia sẻ còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu… Tuy nhiên nhìn chung, tất cả tên gọi này của mô hình kinh tế chia sẻ đều có bản chất là kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau – được đánh giá là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống.
Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân, tháng 08/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 999/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, với mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ số…
Ngọc Bích