Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên án 10 năm tù
Cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội đúng như cáo trạng, bày tỏ ăn năn, hối hận về hành vi của mình, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; 7 năm về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt, Trương Xuân Đước lĩnh 9 năm tù. Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong vụ án này, Đước có vai trò chủ mưu trong hai tội danh trên nhưng đã ăn năn, hối cải, thừa nhận hành vi.
Vợ của Đước là Nguyễn Thị Ngọc Anh bị tuyên 18 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; 3 năm tù với tội “Đưa hối lộ”. Tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Đình Đương (cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) bị tuyên 6 năm 6 tháng tù; nhân viên cấp dưới của Đương là Đỗ Thanh Hoài nhận 4 năm 6 tháng tù cùng tội “Nhận hối lộ” và cấm đảm nhiệm chức vụ trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Các bị cáo Đặng Khắc Thành bị tuyên 18 tháng tù, Hà Thị Bích Nhàn 15 tháng tù cùng tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Các bị cáo Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài và Ngô Văn Tuyên bị phạt từ 300 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng với tội “Trốn thuế”.
Trước đó, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải và tự nguyện nộp lại đầy đủ số tiền thu lợi bất chính, trốn thuế. Hội đồng xét xử đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, thành tích đã đạt được trong quá trình công tác của các bị cáo.
Theo cáo trạng, năm 2007, Trương Xuân Đước (sinh năm 1971, trú phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1979, trú tại Hải Phòng) quản lý, điều hành Công ty Cổ phần Khánh Dung chuyên hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Ngọc Anh là Kế toán trưởng của Công ty và được Đước giao nhiệm vụ quản lý bộ phận kế toán kê khai, báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập các công ty.
Từ năm 2014 – 2021, vợ chồng Đước đã sử dụng Căn cước công dân của mình và nhiều người thân quen, bạn bè hoặc nhân viên để thành lập thêm 26 công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, vợ chồng Đước và Ngọc Anh đã mua bán 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41,2 tỷ đồng.
Tháng 10/2022, Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt về hành vi mua bán trái phép hóa đơn; đồng thời mở rộng điều tra vụ việc. Đước đã bỏ trốn và bảo vợ đến gặp Đỗ Hữu Ca (đã nghỉ hưu) để nhờ vả. Đỗ Hữu Ca yêu cầu, vợ chồng Đước và Ngọc Anh chuẩn bị số tiền bằng 10% doanh thu bán ra hóa đơn trái phép (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền để lo chạy tội.
Từ cuối tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước và Ngọc Anh 4 lần đến gặp và đưa 35 tỷ đồng cho Ca. Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước và Ngọc Anh thoát khỏi việc bị xử lý hình sự nhưng đã hứa hẹn để nhận tiền và sau đó chiếm đoạt.
Ngày 7/2/2023, Nguyễn Thị Ngọc Anh bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ. Ngày 18/2/2023, Đỗ Hữu Ca bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra, Ca không thừa nhận việc nhận số tiền trên để chạy tội cho Đước.
Theo Đỗ Hữu Ca, số tiền này là do Đước và Ngọc Anh chủ động mang đến để vào trong phòng khách và phòng ngủ tầng 1 của gia đình mình. Ca đã chủ động nộp lại số tiền 35 tỷ đồng nhận từ vợ chồng Đước và Ngọc Anh.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu