Kinh tế trên đà phục hồi: Hiệu quả từ các giải pháp tài khóa

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Đồng hành cùng doanh nghiệp là phương châm hàng đầu của Chính phủ. Trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể giải pháp đã hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí… Tổng quy mô hỗ trợ trong suốt giai đoạn 2020-2023 khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng, năm 2023 hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ không dừng ở đó mà vẫn còn vẫn tiếp tục trong năm 2024, thể hiện ở chính sách tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2024 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Điều này cho thấy Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tối đa. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng, và gần 43 nghìn tỷ đồng đối với giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức lớn đối với cân đối ngân sách nhà nước thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Chính phủ. Đây là những giải pháp quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế đang trên đà với những tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiết giảm chi phí thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng, minh bạch vừa tránh thất thoát thu ngân sách nhà nước bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số. Gần đây nhất là triển khai áp dụng xuất hóa đơn điện tử đối với bán lẻ xăng dầu. Sau gần 4 tháng triển khai, tính đến ngày 2/4/2024, toàn quốc đã có 15.931 trên tổng số 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã thực hiện xuất hoá đơn sau từng lần bán cho người dân.

Nhờ những hỗ trợ nêu trên, hoạt động sản xuất-kinh doanh đã dần khởi sắc, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng lên với 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm nay và 23,6 nghìn doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, với kim ngạch xuất nhập khẩu quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 8,2%. Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã đặt ra.

Tăng cường quản lý giá cả, kiểm soát lạm phát

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nêu trên, các giải pháp kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nước ta trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 thống nhất, đồng bộ và hiệu quả nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương…

Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của Bộ Tài chính trong công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2024 tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%). Lạm phát quý I được kiểm soát trong giới hạn, tạo tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức dưới 4,5% như Quốc hội đã đề ra.

Duy trì ổn định các thị trường tài chính

Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển bền vững thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp…

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến ngày 29/3/2024, VN-Index đạt 1.284,09 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng trước đó và tăng 13,6% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,76 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cuối năm 2023, tương đương 66,2% GDP ước tính năm 2023. Hiện có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,5 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 3 là 29,8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 27,8% so với tháng trước; bình quân 3 tháng đầu năm là 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 35,9% so với bình quân năm 2023.

Diễn biến thị trường chứng khoán đã phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 tăng 12,2% so với năm trước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

Để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán trong huy động vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát tổng thể khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước đầu hồi phục và đạt một số kết quả tích cực.

Tính chung cả năm 2023, có 88 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 296,8 nghìn tỷ đồng. Mặc dù khối lượng phát hành giảm so với năm 2022, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ trong nước có nhiều biến động, kết quả phát hành năm 2023 là khả quan, từ quý II/2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng qua từng quý. Trong quý I/2024, tiếp tục có 23 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 25,5 nghìn tỷ đồng (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023). Đối với thị trường giao dịch, tính đến ngày 31/3/2024, số mã trái phiếu doanh nghiệp đăng ký giao dịch là 945 mã trái phiếu của 271 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 672,9 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý I/2024 đạt 225,7 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 3,8 nghìn tỷ đồng mỗi phiên.

Thị trường bảo hiểm cũng tăng trưởng khả quan, đến hết tháng 3/2024, tổng tài sản ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 7776,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%. Thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy vậy, việc phát triển nhanh cũng dẫn đến một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Để chấn chỉnh những bất cập của thị trường, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã và đang tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, minh bạch, hướng tới chất lượng hơn.

Những nỗ lực của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh- dịch vụ của doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, đưa kinh tế đất nước phục hồi và phát triển.

Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích