Cách rút lui khéo léo khi vị trí ứng tuyển không như mong đợi
(Xây dựng) – Bạn đã dành rất nhiều thời gian để lọc một danh sách thông tin tuyển dụng dài và tìm được chính xác công việc mà mình kỳ vọng. Nhưng sau tham gia phỏng vấn, bạn nhận ra rằng vị trí ứng tuyển không như mong đợi. Lúc này, việc rút lui một cách khéo léo là quan trọng để bảo vệ sự nghiệp và duy trì mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.
Tránh im lặng
Nếu như bạn nghĩ chỉ cần im lặng và tự rút lui khỏi công việc này, bạn đã hoàn toàn sai lầm. Đây là một trong những cách xử lý kém chuyên nghiệp nhất khi ứng tuyển việc làm. Việc không đưa ra lời từ chối rõ ràng và cung cấp lý do phù hợp sẽ làm cho nhiều nhà tuyển dụng khó chịu, bất mãn. Lời từ chối thật sự không dễ dàng để nói ra. Tuy nhiên, làm ngơ và không phản hồi cũng không mang lại ích lợi gì cho bạn và cả nhà tuyển dụng.
Quá trình tuyển dụng là một quá trình đánh giá nghiêm ngặt, tương đối khó khăn, vất vả. Công ty nói chung và bộ phận tuyển dụng nói riêng cũng đã phải dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện nó. Khi bạn được mời phỏng vấn có nghĩa là công ty đã dành thời gian quan tâm đến bạn, công nhận và đánh giá cao các kỹ năng, kinh nghiệm của bạn, đồng thời nhìn nhận được tiềm năng của bạn. Vì thế, không có lý do gì để bạn lại đánh mất hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong mắt nhà tuyển dụng bởi sự im lặng của mình. Trong trường hợp này, việc gửi một email hoặc gọi một cuộc gọi phản hồi từ chối một cách khéo léo sẽ giúp công ty hiểu rõ hơn về quyết định của bạn cũng như tiếp tục tìm kiếm ứng viên thích hợp khác.
Đưa ra quyết định và phản hồi với nhà tuyển dụng là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng của mình với công ty cũng như thể hiện sự chuyên nghiệp, lịch sự của mình trong công việc. Điều này cũng giúp duy trì mối quan hệ tích cực với công ty, dễ dàng tương tác hơn nếu có cơ hội khác trong tương lai.
Gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tuyển dụng
Sau khi bạn đã phải “cân đo đong đếm” và nhận ra rằng vị trí ứng tuyển chưa thể đáp ứng được những định hướng, mong muốn của bản thân, bạn có thể “khéo léo” rút lui khỏi công việc này. Tuy nhiên, đừng quên gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến phía công ty hoặc người tuyển dụng.
Bên cạnh việc dành thời gian tìm kiếm, nghiên cứu hồ sơ ứng viên, nhà tuyển dụng cũng đã phải từ chối nhiều ứng viên khác để ưu tiên trao cơ hội việc làm cho bạn. Vì thế, trong trường hợp muốn từ chối công việc, bạn vẫn cần thể hiện thiện chí trước thời gian, công sức và cơ hội mà công ty đã dành cho mình. Đó là những cơ hội được tiếp xúc với công ty, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như quan điểm của riêng mình về vị trí công việc ứng tuyển. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để bạn hiểu rõ những định hướng, mục tiêu trong công việc của mình. Chỉ một lời cảm ơn đơn giản thôi cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của bạn đến họ.
Từ chối kèm theo lý do ngắn gọn, dễ hiểu
Sau khi thể hiện ý muốn rút lui khỏi công việc ấy, bạn nên trình bày lý do một cách ngắn gọn, hợp lý nhưng vẫn không hề làm mất lòng nhà tuyển dụng. Lý do có thể là những vấn đề còn tồn tại khó khắc phục, như công ty xa nhà, thời gian biểu cá nhân chưa phù hợp… Hoặc bạn có thể trực tiếp bày tỏ rằng công ty chưa thật sự phù hợp với những định hướng, mục tiêu của mình, bạn mong muốn tìm được công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên thể hiện sự trân trọng và tiếc nuối của mình khi không thể nhận việc và đồng hành cùng công ty. Đây là cách khéo léo để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng rằng bạn là một người chuyên nghiệp.
Thể hiện mong muốn giữ liên lạc với nhà tuyển dụng
Cách từ chối công việc đầy thông minh, khéo léo không thể thiếu một lời đề nghị, thể hiện mong muốn được tiếp tục giữ mối liên hệ với công ty hay nhà tuyển dụng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gặp lại nhau. Tuy nhiên, cơ hội trong tương lai còn rất nhiều. Vì thế, đừng vội đóng cánh cửa kết nối giữa bạn và công việc. Duy trì mối liên hệ với công ty biết đâu là một cơ hội phát triển mới trong sự nghiệp của bạn. Bạn và nhà tuyển dụng có thể hợp tác trong một dự án nào đó. Hay có lúc, định hướng thay đổi, bạn có thể đề xuất với nhà tuyển dụng quay lại nhận việc nếu như công ty vẫn còn tuyển dụng.
Đừng lo ngại việc từ chối một công việc không như mong đợi bởi nhà tuyển dụng và ứng viên đều có quyền lựa chọn những gì phù hợp nhất cho bản thân mình. Tuy nhiên, đừng quá xem nhẹ cách từ chối. Bởi từ chối vị trí ứng tuyển khéo léo cũng là cơ hội để bạn ghi điểm trong mắt người khác. Với những hành động, lời nói hợp lý, thông minh, bạn cũng đã thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân.
Nguồn: Báo xây dựng