Để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng

Thị trường vàng là một bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, tiền tệ. Cơ quan quản lý thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều chỉ đạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; trong đó có việc tiếp tục củng cố quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước, bao gồm: ngoại tệ và vàng, hạn chế tình trạng đô-la hóa và vàng hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam…

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân quý 1/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước.

Cần bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng. Ảnh Trọng Triết

 

Nhìn vào diễn biến giá vàng trong tháng 3 còn thấy giá vàng SJC liên tục tăng – giảm với biên độ mạnh. Khi giá vàng SJC chiều bán ra có thời điểm vọt tăng từ 79,8 triệu đồng/lượng hôm 1/3 lên mức cao kỷ lục 82,52 triệu đồng/lượng trong phiên 12/3, nhưng ngay sau đó lại giảm sốc xuống 80,7 triệu đồng/lượng ngay hôm sau.

Những diễn biến này của giá vàng trong nước dù cùng chiều với diễn biến giá vàng thế giới, khi hiện giá vàng trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, lên tới 2.233 USD/ounce, tăng hơn 10% so với đầu năm 2024. Dù vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo quy đổi vẫn ở mức 13-15 triệu đồng mỗi lượng.

Đáng chú ý, từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định 24 nhấn mạnh một số nội dung quan trọng, như: NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, nên thương hiệu vàng SJC trở thành thương hiệu vàng duy nhất và thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Việc sản xuất vàng miếng chỉ được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Hơn nữa, Nghị đinh 24 đã thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động sản xuất mua bán vàng trang sức, mĩ nghệ…

Với những quy định nêu trên và quá trình thực thi cho thấy, từ khi có Nghị định 24 thì thị trường vàng trong nước đã ổn định, không còn “cơn sốt” giá vàng và vàng không còn là công cụ thanh toán trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, đã qua hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định 24 đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Điều này chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Hơn nữa, NHNN điều tiết thị trường bằng hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp…), dẫn  đến bế tắc trong sản xuất lưu thông nên đã tạo ra khan hiếm cung – cầu giả, dẫn tới chênh lệch về giá. Cùng với đó, việc không cho phép giao dịch vàng kì hạn, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí, đồng thời chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân.

Từ góc độ tổ chức, hiện các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi không được cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu ngày càng tăng.

Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu vàng miếng SJC khiến người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác – dù chất lượng như nhau – với giá rẻ hơn, có thời điểm chênh lệch tới gần 15 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao đã “khuyến khích” vàng nhập lậu, “chảy máu ngoại tệ” trong khi thất thoát thu ngân sách. Chỉ cần gõ từ khoá “buôn lậu vàng” trên Google thì có thể thấy hàng loạt bài báo phản ánh các phi vụ buôn lậu vàng lớn nhỏ qua biên giới.

Tình trạng này đặc biệt nóng và gia tăng khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, duy trì thời gian lâu như hiện nay.

Hệ quả của quản lý theo phương thức như hiện nay là thị trường vàng trong nước đang đi thụt lùi so với thế giới, nên cần thay đổi tư duy cùng những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược. Sự e ngại của nhà quản lý là việc thay đổi cơ chế quản lý thị trường, để phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn. Sự e ngại này là cần thiết, nhưng vẫn cần tin tưởng và mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng.

Theo đó, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức – mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh được xem là yếu tố cần thiết.

NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng, mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp, cần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Hơn nữa, thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường. Các cơ quan quản lý phải dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch trên một trung tâm giao dịch tập trung, chẳng hạn, như: Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng. Cùng với đó, là tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế…

Do vậy, NHNN cần sửa đổi Nghị định 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Việc sửa đổi cần đánh giá kĩ lưỡng, xem xét kĩ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội.

Việc quản lý thị trường vàng là quá trình vừa làm, vừa thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Chính sách và các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, không có một chính sách, một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn. NHNN cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới. Đây là vấn đề đang rất được quan tâm, bởi những bất cập và chênh lệch lớn về giá vàng có thể gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế./.

Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết đã yêu cầu NHNN tổng kết Nghị định 24; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.

Trước đó, tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. NHNN cũng cần đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại… để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới…

Tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào chiều 28/3, về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt. 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích