Năm 2023 thế giới mất đi diện tích rừng gần bằng nước Bhutan

Năm 2023 thế giới mất đi diện tích rừng gần bằng nước Bhutan

Mỗi phút trong năm 2023, thế giới mất đi một diện tích rừng nguyên sinh tương đương 10 sân bóng đá, một nghiên cứu toàn cầu công bố ngày 4/4 cho biết.

Báo cáo do các nhà nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Đại học Maryland (Mỹ) công bố ngày 4/4 đã chỉ ra bức tranh kém tươi sáng về tình trạng rừng nguyên sinh trên toàn cầu, dù cuộc chiến chống nạn phá rừng Amazon đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ.

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ mất rừng nhiệt đới vẫn rất cao, dù trong những năm gần đây, các nước đã cam kết bảo vệ hệ sinh thái quan trọng này. Trong năm 2023, khoảng 3,7 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh đã mất, gần bằng diện tích của Bhutan.

Con số này giảm 9% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao và tương đương với con số của năm 2021 và 2019. Rừng nguyên sinh được định nghĩa là rừng còn tồn tại ở trạng thái ban đầu.

Con số trên thực sự đáng báo động vì rừng nhiệt đới nguyên sinh được coi là lá phổi sống quan trọng của thiên nhiên, hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide (CO2) – loại khí thải là tác nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Rừng rậm nhiệt đới cũng đóng vai trò điều hòa khí hậu khu vực và địa phương. Ngoài ra, rừng còn cung cấp nguồn lương thực và sinh kế cho hàng triệu người và là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho các dòng sông. Rừng nhiệt đới còn bảo vệ đất, cũng như là “ngôi nhà” của phần lớn các loài thực vật và động vật trên thế giới, đồng thời lọc không khí và nước.

tm-img-alt
Tổng diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh bị mất trong năm 2023 là 3,7 triệu ha. Ảnh: AFP

Bất chấp nhiều lợi ích, những khu rừng này đang bị chặt phá ở mức báo động để phục vụ mục đích nông nghiệp, khai thác mỏ, đường sá và đô thị hóa. Điều này bất chấp cam kết của hơn 140 quốc gia vào năm 2021 nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Nghiên cứu hàng năm sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán tình trạng rừng bị tàn phá do phát quang, cháy rừng hoặc các nguyên nhân khác. Các nhà khoa học liên quan chủ yếu tập trung vào việc mất rừng nguyên sinh nhiệt đới vì hầu hết nạn phá rừng đều diễn ra ở vùng nhiệt đới.

Trong năm ngoái, Brazil ghi nhận tỷ lệ mất rừng nguyên sinh giảm 36% so với năm 2022. Mức giảm đáng kể này rõ nhất ở rừng Amazon, vốn được ví là “lá phổi xanh” của Trái Đất khi cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy và hấp thu 26.000 tấn vật chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm. Con số trên được ghi nhận trong năm đầu tiên Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva lên nắm quyền, với cam kết bảo vệ rừng Amazon và khôi phục các biện pháp bảo vệ rừng. Trong khi đó, tại Colombia, tỷ lệ mất rừng nguyên sinh đã giảm khoảng 50% trong 1 năm.

Tuy nhiên, những tiến bộ này phần nào đã bị lu mờ vì tình trạng mất rừng ở những nơi khác. Tại Bolivia, diện tích mất rừng cao kỷ lục trong năm thứ 3 liên tiếp, một phần do việc chuyển đổi sử dụng đất sang trồng đậu nành. Hoạt động nông nghiệp cũng là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ mất rừng tại Lào và Nicaragua.

CHDC Congo – nơi có lưu vực Congo khổng lồ vốn hấp thụ nhiều CO2 hơn lượng thải ra – đã mất hơn 500.000 ha rừng nguyên sinh trong năm thứ hai liên tiếp. Bên cạnh đó, cháy rừng cũng gây ra thiệt hại lớn, làm giảm độ che phủ của cây, đặc biệt là ở Canada, nơi đã trải qua những vụ cháy rừng kỷ lục.

Chuyên gia Mikaela Weisse, Giám đốc Cơ quan Theo dõi rừng toàn cầu của WRI, cho biết trong khi tình trạng phá rừng ở Brazil và Colombia đã giảm đáng kể, diện tích rừng nhiệt đới bị mất ở những nơi khác lại gia tăng. Khi đánh giá về tình trạng mất rừng trong năm qua, bà Weisse nhấn mạnh: “Thế giới đã tiến hai bước nhưng đồng thời cũng lùi hai bước”.

Đây là năm thứ 2 dữ liệu hằng năm đầy đủ về tình trạng mất rừng được công bố, kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), khi hơn 140 quốc gia nhất trí ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Tuy nhiên, diện tích rừng bị mất đã cao hơn gần 2 triệu ha rừng so với mức cần giảm để đạt được mục tiêu này.

Chuyên gia Rod Taylor, của WRI, cảnh báo thế giới đang chệch khỏi con đường hướng tới mục tiêu đầy lùi nạn phá rừng vào năm 2030.

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích