Cách nào bảo vệ ao, hồ ở Hà Nội khỏi tình trạng xâm hại?

Cách nào bảo vệ ao, hồ ở Hà Nội khỏi tình trạng xâm hại?

Nhiều ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội đang bị san lấp, lấn chiếm. Đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương…

tm-img-alt

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 122 hồ nội thành và 13 con sông chảy qua. Giai đoạn 2015 – 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Hà Nội giảm hơn 203 ha, bởi có tới hơn 60% ao hồ bị bức tử, san lấp, xóa sổ. Đã đến lúc phải có những giải pháp mạnh tay và căn cơ để bảo vệ ao hồ, bảo vệ lá phổi xanh của TP.

Ao, hồ kêu cứu

Nhiều ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội đang bị san lấp, lấn chiếm. Đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương. Ngoài bị san lấp, lấn chiếm, việc nhiều hồ không có dòng nước đối lưu khiến lòng hồ bị cạn trơ đáy, thành nơi cỏ mọc dại, từ đó càng tạo điều kiện cho các hành vi lấn chiếm và san lấp hồ trái phép.

Ao, hồ không chỉ là lá phổi xanh của Thủ đô mà còn là nơi chứa nước, tiêu thoát nước vào mùa mưa cho TP. Nếu không có giải pháp kịp thời thì một lúc nào đó, Hà Nội không chỉ mất đi những lá phổi xanh này mà còn rơi vào tình trạng ngập úng, tiêu thoát nước kém mỗi khi mùa mưa lũ về.

Ví dụ điển hình là hồ Song, thuộc địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Đây vốn là một hồ có diện tích lớn, nước trong xanh và là nơi điều hòa không khí, tạo không gian trong lành cho các khu dân cư lân cận. Tuy nhiên, khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm hồ Song đã xuất hiện và ngày càng trở nên nhức nhối.

Mọi chuyện càng trở nên khó kiểm soát hơn khi thời gian gần đây, hồ Song rơi vào tình trạng cạn nước, lòng hồ trơ đáy và trở thành nơi cỏ mọc um tùm. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã liên tục đổ trộm chất thải xuống hồ với mục đích san lấp mặt bằng để xây nhà xưởng, công trình trái phép bên trên.

Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng cho biết, tình trạng đổ trộm chất thải để lấp hồ Song xuất hiện từ nhiều năm qua. Đặc biệt, từ khi có con đường nhựa nối liền từ Đại lộ Thăng Long vào khu biệt thự Vinhomes Green Villas, tình trạng đổ trộm thải vào hồ Song càng diễn biến phức tạp do đường đi thuận lợi hơn.

Được biết, để ngăn chặn nạn đổ trộm chất thải vào hồ Song, phường Đại Mỗ đã thực hiện nhiều biện pháp như đào hào ngăn cách, rào chắn bằng barie… Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các đối tượng đổ trộm thải vào hồ Song vẫn gặp không ít khó khăn.

Tương tự, đầm Đỗi (phường Định Công, quận Hoàng Mai) cũng đang ngày đêm bị bức tử bằng các loại chất thải đổ xuống. Bức xúc trước tình trạng trên, nhiều người dân xung quanh đã tự góp tiền làm cổng bảo vệ để ngăn không cho các đối tượng đổ trộm chất thải vào đầm Đỗi.

Một ví dụ khác là ao Láng, thuộc địa phận quận Tây Hồ. Dù chưa bị nạn đổ trộm chất thải đe dọa nghiêm trọng như hồ Song hay đầm Đỗi nhưng từ nhiều năm nay, ao này rơi vào tình trạng thiếu nước, cạn trơ đáy, diện tích ngày càng bị thu hẹp.

Ông Phạm Văn Cường – phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết, từ lâu ao Láng rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, một số người dân lân cận sử dụng làm nơi trồng cây. Chứng kiến cảnh tượng trên, những người từng được hưởng không khí trong lành mà ao Láng từng mang lại không khỏi xót xa.

Hồ Song (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đang ngày đêm bị xâm hại bởi chất thải và các công trình trái phép. Ảnh: Nguyễn Quý
Hồ Song (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đang ngày đêm bị xâm hại bởi chất thải và các công trình trái phép. Ảnh: Nguyễn Quý

Điều mà những người dân lo lắng nhất là hiện tại, quanh khu vực ao Láng đã không còn nguồn nước nên khả năng hồi sinh của chiếc ao này là rất nhỏ. Đáng lo hơn là một khi ao không thể hồi sinh mà bị biến thành nhà cao tầng thì những mối nguy về sinh thái, thay đổi khí hậu sẽ càng hiện hữu.

Cần quy trách nhiệm chính quyền cơ sở

Tình trạng nhiều ao, hồ, đầm ở Hà Nội bị đổ trộm chất thải hay cạn nước không phải là hiếm. Nhiều nơi từng là không gian xanh, nơi thư giãn cho người dân thì nay lại chẳng khác nào một đầm lầy, bãi rác, cụm nhà xưởng, công trình trái phép. Để đối phó với tình trạng lấn chiếm ao hồ, nhiều địa phương đã tiến hành xây bờ kè xung quanh ao, hồ.

Tuy nhiên, ngay sau đó vấn đề mới đã phát sinh, đó là vấn đề ô nhiễm. Các cống thải sinh hoạt từ nhà dân, nhà hàng, quán ăn… được nối trực tiếp vào các ao hồ, biến nơi đây không khác gì những bể chứa chất thải khổng lồ và luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu. Tình trạng cá chết hàng loạt tại nhiều ao, hồ lớn vẫn thường xuyên diễn ra trong nhiều năm qua mà chưa có cách nào xử lý.

Đứng trên góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, để bảo vệ ao hồ Hà Nội, cần thiết phải giao và quy trách nhiệm cụ thể cho các địa phương nơi có ao hồ đó.

“Chính quyền các địa phương phải là đơn vị đứng ra quản lý, bảo vệ ao hồ và chịu trách nhiệm chính khi ao hồ trên địa bàn bị xâm hại, bị bức tử” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và cho biết thêm, ngoài quy trách nhiệm, cần phải xây dựng chế tài xử phạt thật nặng cho các hành vi xâm hại, bức tử ao hồ. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe.

Bàn luận về giải pháp bảo vệ ao hồ Hà Nội, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, muốn bảo vệ ao hồ khỏi ô nhiễm và xâm hại thì trước hết, cần phải để cho các ao, hồ có chủ để có người đứng ra chịu trách nhiệm, mỗi khi có vấn đề hay sự cố gì xảy ra đối với ao hồ đó. Cũng theo chuyên gia này, để giải quyết vấn đề ô nhiễm ao, hồ, phải tìm được nguồn lực, có công nghệ và đặc biệt phải có sự tham gia của cả cộng đồng.

“Cộng đồng ở đây là cộng đồng dân cư, cộng đồng các nhà khoa học để trợ giúp những vấn đề về công nghệ; cộng đồng DN tham gia vào để có nguồn vốn duy trì, bảo vệ ao, hồ” – PGS.TS Trương Mạnh Tiến phân tích.

Trước đó, đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn TP theo quy định. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là giải pháp hiệu quả để bảo vệ ao, hồ trên địa bàn TP.

Những năm qua, hiệu quả trong công tác bảo vệ ao hồ vẫn chưa được nâng cao, nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm. Đã đến lúc cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại, tạo diện mạo văn minh cho đô thị. Giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân đô thị.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt NamPhạm Ngọc Đăng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích