Khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy biển
Khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy biển
Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương.
Theo một nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) công bố ngày 5/4, hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Toronto đã sử dụng hai mô hình dự đoán để ước tính số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa dưới đáy biển. Nhà khoa học cấp cao Denise Hardesty tại CSIRO, người đã đóng góp cho nghiên cứu này, cho biết đây là ước tính đầu tiên trên thế giới về lượng rác thải nhựa dưới đáy đại dương và nơi nó tích tụ.
Theo bà Hardesty, mỗi năm lại có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển. Tuy nhiên, số lượng rác thải này nằm sâu dưới đáy đại dương vẫn còn là “ẩn số.”
Do đó, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đáy đại dương đã trở thành “nơi lưu cữu” hầu hết rác thải nhựa với số lượng ước tính từ 3 – 11 triệu tấn.
Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương.
Theo dữ liệu từ ROV, khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000 m.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Ước tính khoảng 19 – 23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị