Đông Nam Á: Trường học đóng cửa, cây trồng khô héo do nắng nóng kỷ lục

Đông Nam Á: Trường học đóng cửa, cây trồng khô héo do nắng nóng kỷ lục

Chính phủ các nước Đông Nam Á đang nỗ lực tìm cách ứng phó với nhiệt độ tăng cao bất thường khi mùa hè sắp đến.

Đông Nam Á: Trường học đóng cửa, cây trồng khô héo do nắng nóng kỷ lục- Ảnh 1.
Chính quyền Thủ đô Manila, Philippines đã thiết lập các bể bơi di động, giúp trẻ em chống nóng. Ảnh: AFP

Rất nhiều trường học ở Philippines đã dừng các lớp học trực tiếp do nắng nóng không thể chịu nổi. Tại Indonesia, thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến giá gạo tăng cao. Ở vùng biển Thái Lan, nhiệt độ cao đến mức các nhà khoa học lo ngại san hô có thể bị phá hủy.

Theo Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học và nhà sử học thời tiết, một “đợt nắng nóng lịch sử” đang xảy ra trên khắp Đông Nam Á. Trong thông tin cập nhật được đăng trên mạng xã hội X, ông cho biết nhiệt độ chưa từng có vào đầu tháng 4 đã được ghi nhận tại các trạm giám sát trên toàn khu vực trong tuần này. Cụ thể: Minbu, miền trung Myanmar, 44 độ C – đạt mức nắng nóng kỷ lục khi chỉ mới đầu tháng 4; Hat Yai, vùng cực nam của Thái Lan, 40,2 độ C, kỷ lục của mọi thời đại; Yên Châu (Sơn La), Việt Nam đạt 40,6 độ C, mức chưa từng có vào thời điểm này trong năm.

Tổ chức khí tượng thế giới cho rằng thời tiết nắng nóng là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, cũng như hiện tượng El Niño, mang đến điều kiện nóng hơn, khô hơn tại Đông Nam Á.

Giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, cho biết: “Mức nhiệt mà toàn cầu đã trải qua trong 12 tháng qua, cả trên đất liền và trên đại dương, đã khiến giới khoa học ngạc nhiên. Có rất ít nơi trên thế giới có khả năng chống chọi với loại nhiệt này”.

Các chính phủ tại các nước Đông Nam Á đang vật lộn tìm cách ứng phó. Tại Philippines, gần 4.000 trường học đã đình chỉ các lớp học trực tiếp khi chỉ số nhiệt độ vượt quá 42 độ C ở một số khu vực, mức nguy hiểm mà cơ quan thời tiết cảnh báo có thể gây chuột rút và kiệt sức vì nóng.

Các trường học đóng cửa do nắng nóng kỷ lục

Trong tuần lễ Phục sinh ở Manila, trẻ em chơi trong các bể bơi di động được dựng trên đường phố để cố gắng giữ mát.

Đông Nam Á: Trường học đóng cửa, cây trồng khô héo do nắng nóng kỷ lục- Ảnh 3.
Người đi bộ che nắng trong thời tiết nắng nóng ở Bangkok. Ảnh: EPA

“Lớp học của chúng tôi không thể chống chọi được với thời tiết như thế này. Có đến 60-70 học sinh trong một lớp học mà không có hệ thống thông gió thích hợp”. – Ruby Bernardo, Chủ tịch công đoàn giảng dạy Liên minh các giáo viên (ACT) ở Manila cho biết. Trong một cuộc khảo sát gần đây của công đoàn, 90% giáo viên nói rằng chỉ có hai chiếc quạt trong lớp để giữ mát.

Các giáo viên thường xuyên bị chóng mặt và đau đầu, học sinh cũng không thể tập trung học gặp phải các vấn đề về sức khỏe, có trường hợp bị chảy máu mũi. Chính phủ Philippines cũng đang dần điều chỉnh thời khóa biểu, đưa lịch học của các trường về giống như thời điểm trước đại dịch COVID-19 để học sinh đuộc nghỉ học trong những tháng nóng nhất.

Thêm vào đó, chính phủ Philippines cũng đang lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào xây dựng lớp học thích ứng với biến đổi khí hậu và bổ sung thêm giáo viên để không bị quá tải số lượng học sinh trên mỗi lớp học.

Horton – Giám đốc đài quan sát Trái đất Singapore cho biết các trường học và doanh nghiệp cần tìm cách thích nghi – bằng cách khuyến khích mọi người mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và bằng cách thay đổi lịch trình để mọi người đi làm và trẻ em được đi học, sớm hơn hoặc muộn hơn trong ngày khi nhiệt độ bớt gay gắt hơn. Ông cho biết: “Ngay cả khi chúng ta đưa ra lựa chọn nhanh chóng ngay hôm nay để giảm lượng khí thải nhà kính, chúng ta sẽ phải đối phó với nhiệt độ cao trong ít nhất 50 năm”.

Nông nghiệp bị tàn phá do nắng nóng gay gắt

Nắng nóng gay gắt cũng gây ra sự tàn phá trong nông nghiệp. Theo báo cáo của Reuters , giá gạo, loại lương thực chủ yếu của Indonesia, đất nước 270 triệu dân, đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái . Người dân xếp hàng dài để đợi nhận gạo trợ cấp của chính phủ đã kéo dài hàng giờ mới tới lượt.

Ở Việt Nam, mực nước kênh rạch hồi đầu năm nay thấp đến mức nông dân ở một số khu vực (đặc biệt là Tây Nguyên) phải vật lộn để bảo vệ cây trồng. Tại Thái Lan, theo phân tích kinh tế của tờ Bangkok Post, năng suất cây trồng giảm, khiến nợ của nông dân tăng 8% trong năm nay.

Các chính phủ các nước Đông Nam Á đã đưa ra cảnh báo về sức khỏe và tư vấn cho người dân cách tránh say nắng, mặc dù nhiều công nhân, đặc biệt là những người làm trong các lĩnh vực như nông nghiệp hoặc xây dựng đang phải chịu đựng cái nóng gay gắt. Tại Malaysia đã ghi nhận trường hợp một nam thanh niên 22 tuổi tử vong do say nắng .

Ảnh hưởng của nhiệt độ cực cao cũng lan tới vùng biển Đông Nam Á. Trợ lý giáo sư Thon Thamrongnawasawat, thuộc khoa thủy sản tại Đại học Kasetsart (Thái Lan), tuần này cảnh báo trên mạng xã hội rằng El Niño kết hợp với hiện tượng nóng lên toàn cầu có nguy cơ phá hủy san hô và cá ở Vịnh Thái Lan.

“Khi so sánh với đầu tháng 4 năm trước, ở khu vực phía đông, nước nóng hơn đáng kể. Nó nóng một cách kỳ lạ. Ngay cả vào ban đêm, nhiệt độ vẫn lên tới 31,5 độ”.

Du lịch đến bờ biển Thái Lan sớm có thể giống như tắm nắng và ngâm mình trong suối nước nóng. Đó có thể sẽ là một “khẩu hiệu mới”.

Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm hai hoặc ba tuần nữa, giáo sư Thon lo ngại tình trạng san hô chết khô có thể diễn ra. Nước nóng quá mức cũng đe dọa sự sống của cá tại các trang trại nuôi cá địa phương và có nguy cơ tạo ra khoản nợ khổng lồ cho nông dân Thái Lan.

Thời gian của nóng lên toàn cầu đã đến và ngày càng căng thẳng hơn. Có nhiều cách để cải thiện bao gồm giảm bớt các vấn đề như ô nhiễm biển do nước thải rác thải gây ra. Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên, thời tiết cực đoan. Đối diện và khắc phục vấn đề là giải pháp duy nhất trong tình hình này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích