LEAN – công cụ hỗ trợ đắc lực doanh nghiệp trong quá trình vận hành, cải tiến năng suất

LEAN là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục nhằm tránh lãng phí và bất hợp lý trong quy trình sản xuất. Phương pháp này tập trung vào việc nhận diện, loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ. Từ đó, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn quy trình sản xuất và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Phương pháp này bao gồm nhiều công cụ quản lý đã được đúc rút từ thực tiễn và hệ thống hóa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận phương pháp quản lý hiện đại. Ngoài ra, LEAN còn cho phép doanh nghiệp ở quy mô khác nhau có thể linh hoạt lựa chọn các công cụ và cách áp dụng phù hợp với đặc điểm, hiện trạng của doanh nghiệp.

LEAN là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục nhằm tránh lãng phí và bất hợp lý trong quy trình sản xuất. (Ảnh minh họa)

Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi áp dụng phương pháp Quản trị tinh gọn – LEAN từ ngày đầu đi vào vận hành sản xuất. Hơn 14 năm qua, Doosan Vina luôn chú trọng đào tạo, áp dụng phương pháp LEAN từ các công cụ cơ bản như 3D5S, 8 loại bỏ lãng phí, đến tiếp cận kiến thức, công cụ LEAN nâng cao như OEE, SMED, Line of Balance, Visualization…

Trưởng phòng Chiến lược (Doosan Vina) Lê Hữu Âu cho biết, LEAN đã mang lại hiệu quả đối với việc cải tiến và nâng cao năng suất sản xuất của Doosan Vina. Hiện, công nhân viên công ty đều được trang bị và phổ biến kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thông qua LEAN. Với xu hướng phát triển của công nghệ, Doosan Vina đang tiếp tục nâng cấp ứng dụng LEAN theo định hướng Digital nhằm chẩn đoán và phát hiện vấn đề tốt hơn, giúp công ty rút ngắn thời gian, chu trình sản xuất và không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh.

Hay tại công ty TNHH Sản xuất Xuất nhập khẩu Vinahardware (Vinahardware), một trong những doanh nghiệp ngành cơ khí khi tiếp cận và áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn LEAN đã thu được kết quả khả quan, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của công ty.

Theo lãnh đạo Công ty, Vinahardware đặt ra phương châm hoạt động “Vinahardware – Nhanh và Tốt” làm nền tảng cho quá trình xây dựng, phát triển. Do vậy, ban lãnh đạo xác định áp dụng sản xuất tinh gọn LEAN chính là cơ hội để công ty thực hiện được phương châm đó, bước đầu cho những sự phát triển mạnh mẽ. Lãnh đạo công ty cam kết cung cấp đầu đủ nguồn lực và nỗ lực hết mình cho dự án.  

Ảnh minh họa.

Theo chia sẻ của đại diện đơn vị, trước đây, công ty gặp nhiều khó khăn về lượng tồn kho quá hạn, thời gian tồn kho dài gây tăng các chi phí lưu kho, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, tốn diện tích. Công ty chưa có hình thức kiểm soát kho tốt, không thống kê được chính xác số lượng, chủng loại và chưa có khu vực lưu trữ. Thời gian tồn kho quá dài (ước chừng 100- 120 ngày đối với thành phẩm);

Bên cạnh đó, bố trí, sắp xếp thiết bị chưa tối ưu, đường di chuyển còn chồng chéo, không theo dòng chảy sản xuất. Điều này dẫn đến thời gian dành cho vận chuyển tăng cao; Đặc biệt khu vực đóng gói và kho còn bừa bộn, vật dụng, hàng hóa chưa được phân loại, sắp xếp phù hợp.

Việc tìm kiếm, lấy và trải lại vị trí là hoạt động không tạo ra giá trị nhưng lại chiếm rất nhiều thời gian trong chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, vấn đề này gây thất thoát linh kiện nhiều, khó kiểm soát. Do sản phẩm là chi tiết, linh kiện nhỏ, thao tác, tư thế đóng gói không phù hợp và chưa được chuẩn hóa, dẫn đến lỗi tại công đoạn này xuất hiện nhiều. Ngoài ra, tư thế làm việc không đúng còn tiềm ẩn nguy cơ về bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

Mục tiêu đặt ra là giảm thiểu tối đa các lãng phí chính ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Sau khi nỗ lực thay đổi, công ty đã được đạt những kết quả rất khả quan. Cụ thể: Quãng đường vận chuyển cho các công đoạn giảm từ 73% đến 84%; đã giảm 75% thời gian tìm kiếm và lấy hàng hóa; giải phóng được 20% không gian kho; tiết kiệm khoảng 150kg nguyên liệu nhỏ (ốc/ vít/ pát…)/năm (do không thất thoát do mất kiểm soát/rơi vãi như trước đây); giảm được 35% hàng tồn quá lâu (trên 120 ngày) nhờ áp dụng phương pháp FIFO.

Những kết quả tích cực đã tạo động lực thúc đẩy Vinahardware tiếp tục duy trì LEAN, cũng như cố gắng hơn để gia tăng năng suất chất lượng, phát triển doanh nghiệp.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích