Cần có tiêu chuẩn để nâng cao giá trị trái sầu riêng xuất khẩu
Tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, sản lượng hơn 543 ngàn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 508% về lượng và tăng 658% về trị giá so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu sầu riêng tươi của Việt Nam, đạt hơn 523 ngàn tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, chiếm hơn 96% tổng lượng và 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
TS. Đoàn Hữu Tiến – Giám đốc Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng còn có xu hướng tăng, song sắp tới đây việc cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào… với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Theo đó, để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Lê Văn Thiệt – Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vùng trồng sẽ được cấp mã số, phải nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó, phải chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác (phải được lưu trữ, bảo quản tốt để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra); theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng.
Ngoài ra, để vùng trồng được cấp mã số, cũng cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu…
Ngoài ra, ông Thiệt cho biết, Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hướng dẫn về việc cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc nói riêng và thị trường các nước có yêu cầu nói chung.
Học hỏi từ nước bạn – tăng giá trị quả sầu riêng xuất khẩu
Ông Nông Ngọc Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) cho biết, sầu riêng Việt Nam đang thua cả về chất và lượng so với sầu riêng Thái Lan. Nguyên nhân do Thái Lan có những chính sách, luật áp dụng vào ngành hàng này.
Theo ông Trung, Thái Lan đưa ra quy định sầu riêng muốn xuất khẩu phải đạt tối thiểu tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô sẽ chiếm 28-29%).
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Việc này mang lại giá trị cao cho ngành hàng tỉ đô của họ. Điều này cho thấy Thái Lan rất quan tâm, chú trọng chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu.
Ông Trung dẫn chứng sầu riêng Việt Nam hàm lượng chất khô chỉ đạt 28-29%, hơn nữa chúng ta đang làm theo một cách thức rất thủ công trong quá trình đóng gói sầu riêng. Việc này dẫn tới quả sầu riêng độ ẩm không đồng đều, không đạt độ khô thì sẽ bị mốc, hư hỏng. Khi hải quan Trung Quốc kiểm tra mà không đạt tiêu chuẩn như bị ẩm mốc, có vi khuẩn thì phải đưa vào hun trùng. Trong khi đó, chi phí vô trùng cho một lô hàng mất rất nhiều và thời gian từ 5-7 ngày, làm thất thoát giá trị của quả sầu riêng.
Để tăng giá trị của trái sầu riêng xuất khẩu, cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách, quy định, tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu để ngành hàng sầu riêng nói riêng, nông sản nói chung có chất lượng và chỗ đứng ở các thị trường xuất khẩu.
Duy Trinh (t/h)