Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới
Nền kinh tế đất nước trong những năm qua phát triển với nhịp độ khá cao; tốc độ đô thị hóa nhanh, diễn ra ở hầu hết các địa phương, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Tuy nhiên, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ với sự phát triển của nền kinh tế.
Hầu hết các khu tập trung đông dân cư như ở các đô thị, các khu công nghiệp, nhà ga, bến xe, bến phà…, hạ tầng giao thông chưa bảo đảm, lối đi hẹp, dễ xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ, không có lối thoát nạn, nhất là ở nhiều khu phố cổ của thành phố Hà Nội có nhiều nhà dân diện tích nhỏ, xây dựng lâu năm hầu hết đều đã xuống cấp, hệ thống điện chằng chịt luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng không có giải pháp khắc phục kịp thời…, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ.
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH, Bộ Công an), năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng; đồng thời xảy ra 16 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 27 người.
Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho thấy, so với năm trước, năm 2023, số vụ cháy tăng 206 vụ (tương đương 6,3%); tăng 27 người chết (tương đương 22,69%); tăng 19 người bị thương (tăng 21,11%); thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng (tăng 38,4%). Số vụ nổ giảm 2 vụ (giảm 11,11%); số người chết tăng 1 người (tăng 10,0%), số người bị thương giảm 2 người (giảm 6,9%).
Trong số 2.294/3.440 vụ (chiếm 66,7%) đã điều tra làm rõ nguyên nhân có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 58,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 340 vụ (chiếm 14,8%); các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10%.
Trước thực tế này ngày 28 tháng 02 năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-BKHCN năm 2023, chính thức công bố 2 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) mới về Phòng cháy chữa cháy, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc.
Theo Quyết định trên, 2 Tiêu chuẩn quốc gia được công bố là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 về “Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí” và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13657-1:2023 về “Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao – Phần 1: Yêu cầu thiết kế và lắp đặt”.
Việc công bố 2 Tiêu chuẩn quốc gia mới này là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam. Đồng thời, việc tuân thủ các tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp tăng cường an toàn cho cộng đồng và tài sản, giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 tập trung vào việc quy định về trang bị và bố trí các phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với cả nhà ở và các công trình xây dựng. Bằng cách này, tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo rằng các phương tiện này được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý, đồng thời tăng cường khả năng phòng cháy và chữa cháy cho mọi công trình.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13657-1:2023 tập trung vào việc quy định về hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao. Trong bối cảnh ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao đang trở nên phổ biến hơn do khả năng chữa cháy nhanh chóng và hiệu quả mà nó mang lại. Do đó, việc có một tiêu chuẩn cụ thể như TCVN 13657-1:2023 sẽ giúp đảm bảo rằng các hệ thống này được thiết kế và lắp đặt một cách đúng đắn, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong việc chữa cháy.
Phạm vi áp dụng của hai Tiêu chuẩn quốc gia mới về phòng cháy chữa cháy, đó là TCVN 3890:2023 và TCVN 13657-1:2023, đã được cụ thể hóa để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc xây dựng, bảo dưỡng và quản lý các công trình, nhà ở, cơ sở kinh doanh, và cơ sở công nghiệp.
Trong đó Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 đặt ra các quy định về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho các loại hình công trình khác nhau, bao gồm nhà, công trình, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác. Tiêu chuẩn này được áp dụng trong các trường hợp xây dựng mới, cải tạo làm tăng quy mô hoặc thay đổi công năng sử dụng của các công trình, gian phòng; cũng như khi có sự thay đổi về hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ. Đặc biệt, trong trường hợp nhà và công trình không có quy định cụ thể, người thực hiện có thể áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Quy định trang bị, bố trí bình chữa cháy cho nhà và công trình thì Tiêu chuẩn này hướng dẫn tất cả các khu vực trong nhà và công trình kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe.
Cần lựa chọn, tính toán trang bị và bố trí bình chữa cháy thực hiện theo quy định tại điều 6 và điều 7 TCVN 7435-1. Đối với khu vực có diện tích hẹp và dài hoặc khu vực có nhiều cấp sàn khác nhau, gần kề nhau thì việc trang bị bình chữa cháy vẫn phải đảm bảo khoảng cách di chuyển từ vị trí để bình chữa cháy đến điểm xa nhất cần bảo vệ của một bình không vượt quá quy định. Trên cùng một sàn hoặc tầng nhà, nếu mặt bằng được ngăn thành các khu vực khác nhau bởi tường, vách, rào hoặc các vật cản khác không có lối đi qua lại thì việc trang bị bình chữa cháy phải riêng biệt và đảm bảo theo quy định.
Phải có số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình theo tính toán để trang bị thay thế khi cần thiết (cho phép không quá 100 bình mỗi loại). Bình chữa cháy được bố trí theo thiết kế, ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và nên có màu đỏ, trường hợp khó nhận biết có thể sử dụng các chỉ dẫn vị trí và theo các quy định tại Điều 5 TCVN 7435-1. Không được để bình chữa cháy tập trung một chỗ trừ trường hợp để trong kho dự trữ theo quy định.
Trong khi đó, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13657-1:2023 tập trung vào các yêu cầu về thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao cho nhà và công trình. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không áp dụng cho việc thiết kế hệ thống chữa cháy bằng nước, bọt dùng để đối phó với đám cháy kim loại và các chất hoạt tính hóa học mạnh. Cụ thể, tiêu chuẩn này loại trừ các chất phản ứng với chất chữa cháy gây nổ, các chất phân hủy và tạo khí dễ cháy khi tương tác với chất chữa cháy, cũng như các chất có tác dụng tỏa nhiệt mạnh hoặc tự cháy khi tiếp xúc với nước.
Về yêu cầu kỹ thuật, khi lựa chọn và thiết kế hệ thống, Tiêu chuẩn này hướng dẫn phải xem xét tổng thể các yếu tố có liên quan đến nguy hiểm cháy của đối tượng, khu vực cần bảo vệ và đặc tính cháy theo quy định; đặc điểm của đối tượng cần bảo vệ, điều kiện môi trường và đặc tính phun sương của đầu phun. Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao được áp dụng đối với các đám cháy loại A, B, C theo quy định tại TCVN 4878:2009 và đám cháy thiết bị điện.
Hệ thống phun sương áp suất cao lắp đặt tại khu vực có điện áp cao (dưới 35 kv) hoặc trong môi trường có nguy hiểm cháy nổ, thì đường ống và các thiết bị có liên quan phải sử dụng biện pháp bảo vệ chống tĩnh điện an toàn. Hệ thống phun sương áp suất cao có thể sử dụng để làm mát thiết bị, địa điểm, môi trường cần bảo vệ cục bộ, như: khu vực có thùng dầu, máy biến áp, thiết bị công nghiệp, đường hầm, quảng trường, hội trường, đường đi bộ, ..
Sự ra đời của 2 Tiêu chuẩn này không chỉ là bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng và an toàn cho các công trình xây dựng mà còn là bước đầu tiên trong việc thúc đẩy việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam. Việc thiết lập các nguyên tắc và quy định rõ ràng trong hai tiêu chuẩn này sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó khi xảy ra sự cố. Điều này không chỉ là lợi ích trực tiếp cho các chủ đầu tư và quản lý công trình mà còn mang lại lợi ích rộng rãi cho cộng đồng và xã hội trong việc bảo vệ tài sản và tính mạng của mọi người.
Để đảm bảo hiệu quả của việc thực thi hai Tiêu chuẩn quốc gia mới này, cần có sự hỗ trợ và tham gia tích cực từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng dân cư. Chỉ khi mọi bên cùng hợp tác và chấp hành đúng các quy định của Tiêu chuẩn quốc gia, mục tiêu làm giảm thiểu tai nạn và thiệt hại do hỏa hoạn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
An Dương