Tính chuyện đường dài trong xuất khẩu gạo

Nhiều dự báo cho rằng, triển vọng xuất khẩu gạo tiếp tục khả quan khi các thị trường lớn cho thấy nhiều tín hiệu tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo lắng việc bám sát để tận dụng thời cơ. Bởi vậy, để nắm bắt thị trường và xuất khẩu bền vững, các chuyên gia cho rằng cần tính chuyện đường dài cho xuất khẩu gạo. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền đóng bao gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

 Số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Theo đó, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó có Việt Nam. 

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy: Sản lượng gạo trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi năm từ 6,5-7 triệu tấn. Đặc biệt, năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 8,1 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 4,6 tỷ USD. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng đến 49,8%; giá gạo xuất khẩu cũng tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo nhận định từ giới phân tích, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu gạo  tới gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ với thị phần chiếm đến 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Để khẳng định vị thế, gạo Việt còn liên tục đạt thứ hạng cao như gạo ST25 đã được vinh danh ngon nhất tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức (lần đầu vào năm 2019 và lần thứ hai là 2023).

Tuy nhiên, thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường quốc tế, bởi gạo Việt Nam xuất khẩu thường được bán dưới thương hiệu của nhà phân phối hay đóng bao bì của quốc gia khác. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam.Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Trong nhiều lần đi thị sát tại nước ngoài, có thể dễ dàng nhận ra hầu hết gạo Thái Lan hay Nhật Bản đều ghi thương hiệu rất to trên bao bì như “Japanese Rice” hay “Thai Rice”. Thế nhưng, bao bì gạo của Việt Nam phải nhìn rất kỹ mới có thể thấy một dòng “Produce in Vietnam” rất nhỏ phía sau. 

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin: Là một trong những thị trường nhập khẩu khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng người tiêu dùng ở Philippines lại nghĩ đến gạo Thái Lan và Nhật Bản. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo và nâng cao chất lượng, uy tín, doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Tương tự, bà Nguyễn Thu Hường – Tùy viên Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, sau khi gạo ST25 đạt giải ngon nhất thế giới, Thương vụ đã đồng loạt quảng bá và triển khai các sự kiện dùng thử gạo ST25. Ngoài ra, Thương vụ còn kết nối để gạo Việt Nam đến được các vùng sâu, xa của Australia cách thành phố Sydney 6 giờ bay.

Còn Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết: Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường này vì thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.

Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của đối thủ cạnh tranh. Mạng lưới doanh nhân kiều bào đang là những đối tác tích cực hỗ trợ tăng thị phần gạo của Việt Nam tại Canada, nhất là đưa mặt hàng gạo chất lượng cao ST 25 vào thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc chưa có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Bởi vậy, việc quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.

Liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo, ông Nguyễn Việt Anh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông nhấn mạnh: Hiện nay, bán gạo phần lớn qua đấu thầu tức là chọn nhà cung cấp giá rẻ. Còn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ bán được số lượng ít nên rất khó cân đối chi phí.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại tại Indonesia cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đa dạng chủng loại và đảm bảo không vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam. Đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch và thời gian giao hàng cũng như thỏa thuận hợp đồng.

Để gia tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại tại Trung Quốc khuyến nghị: Các doanh nghiệp cần bám sát, cập nhật thông tin thị trường; kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nước nhập khẩu để ứng phó cũng như nắm bắt thời cơ. Đồng thời, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu tại thị trường tỷ dân này. Bên cạnh đó, phát huy và tận dụng lợi thế của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc để duy trì tỷ trọng  gạo Việt chiếm từ 36 – 37% trong tổng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Đây là con số khá cao so với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường này.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Toản cho biết: Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo. 

Ngoài ra, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời thông tin tới bộ, ngành, hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, từ đó chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo. Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động đàm phán để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích