Thiên tai gây thiệt hại 65 tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Thiên tai gây thiệt hại 65 tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Công ty bảo hiểm Aon ước tính thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tới 65 tỷ USD trong năm 2023, chủ yếu do lũ lụt ở Trung Quốc và hạn hán ở Ấn Độ.
Trong một báo cáo gần đây, công ty bảo hiểm Aon ước tính thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tới 65 tỷ USD trong năm 2023, chủ yếu do lũ lụt ở Trung Quốc và hạn hán ở Ấn Độ.
Trong tổng số tiền thiệt hại trên, chỉ có 6 tỷ USD, tương đương 9%, được bảo hiểm chi trả, thấp hơn mức trung bình 15 tỷ USD của thế kỷ 21.
Báo cáo của Aon cho thấy lũ lụt vẫn là mối đe dọa gây thiệt hại lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương trong năm thứ tư liên tiếp, tương đương hơn 64% tổng thiệt hại trong năm 2023. Thiệt hại do lũ lụt gây ra hàng năm đã vượt 30 tỷ USD kể từ năm 2010.
Báo cáo cho biết Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề nhất tại châu Á-Thái Bình Dương với thiệt hại 32,2 tỷ USD liên quan đến lũ lụt, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại trong khu vực.
Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng phải hứng chịu tình trạng lũ lụt đáng kể và lượng mưa kỷ lục trong suốt cả năm.
Đặc biệt, lũ lụt ở Nam Á đã khiến gần 2.900 người thiệt mạng. Aon lưu ý rằng thiệt hại liên quan đến lũ lụt đã lên tới hơn 30 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2010.
Báo cáo cũng lưu ý về nhiệt độ tăng cao và các đợt nắng nóng không lường trước được, đặc biệt là tình trạng hạn hán ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Aon, mặc dù sóng nhiệt là một trong những mối nguy hiểm chết người nhất nhưng những rủi ro này thường là điểm mù trong ngành bảo hiểm.
Aon cũng cho biết các trận động đất lớn đã góp phần làm tăng thiệt hại, sau các trận động đất ở tỉnh Herat của Afghanistan vào tháng Mười và tỉnh Cam Túc của Trung Quốc vào tháng Mười Hai, cướp đi sinh mạng của gần 1.500 người và làm hư hại hơn 200.000 ngôi nhà.
Ông George Attard, Giám đốc điều hành Giải pháp Tái bảo hiểm khu vực châu Á Thái Bình Dương của Aon, cho rằng trước tình hình thời tiết cực đoan mới, các doanh nghiệp ngày càng cần phải xem xét giải quyết tác động trực tiếp và gián tiếp của rủi ro khí hậu.
Mặc dù biến đổi khí hậu thường không được liệt kê trong số 10 rủi ro hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhưng ông Attard cho biết vấn đề này tác động trực tiếp đến bốn lĩnh vực chính: gián đoạn kinh doanh, thay đổi xu hướng thị trường, gián đoạn chuỗi cung ứng và thay đổi quy định.
Theo báo cáo, trên toàn cầu, thiên tai đã gây ra thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 380 tỷ USD vào năm 2023, tăng 22% so với mức trung bình của thế kỷ 21. Sự gia tăng này chủ yếu do các trận động đất và cơn bão nghiêm trọng ở Mỹ và châu Âu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị