Hà Tĩnh: Cần có biện pháp giải tỏa, chống lấn chiếm hành lang, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt
(Xây dựng) – Đó là đề nghị của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia, trong buổi làm việc với Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh cùng các đơn vị, địa phương về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường 3 điểm giao cắt giữa tuyến đường sắt Bắc – Nam với đường dân sinh, lối đi tự mở đoạn qua Hà Tĩnh. |
Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức khảo sát một số điểm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh và làm việc với Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh cùng các đơn vị, địa phương liên quan về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt.
Đoàn đã trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường 3 điểm giao cắt giữa tuyến đường sắt Bắc – Nam với đường dân sinh, lối đi tự mở đoạn qua xã Đức Liên (Vũ Quang) và 2 xã Đức Đồng, Tân Dân (Đức Thọ).
Trong 3 điểm giao cắt nêu trên, vị trí ở 2 xã Đức Liên (Vũ Quang) và xã Tân Dân (Đức Thọ) là điểm giao cắt với đường dân sinh. Dù đã được lắp đặt một số hệ thống biển báo tại 2 vị trí này, nhưng do mặt đường đã hư hỏng xuống cấp, bị che khuất tầm nhìn, ý thức người dân chưa cao nên vẫn gây mất ATGT đường sắt, dễ dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT).
Điểm giao cắt ở xã Đức Đồng (Đức Thọ) là lối đi tự mở sai quy định. Tại điểm này, do đã hình thành từ lâu và đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu qua kênh Ngàn Trươi và đường bê tông thuận tiện cho bà con nhân dân trong vùng đi lại, nên việc xóa bỏ vị trí này gặp khó khăn. Tiếp đó, đoàn cũng tiến hành khảo sát tại ga Yên Trung (thị trấn Đức Thọ).
Đoàn tiến hành khảo sát tại ga Yên Trung (thị trấn Đức Thọ). |
Sau khi khảo sát thực tế, Đoàn công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc làm việc với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh về công tác đảm bảo ATGT đường sắt. Theo báo cáo của Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh, tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua 3 huyện của Hà Tĩnh có tổng chiều dài 70,28km với 8 nhà ga, 15 đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ kinh doanh vận tải, quản lý, duy tu, sửa chữa cầu đường, thông tin tín hiệu và đầu máy, toa xe.
Do đặc thù địa hình đồi núi quanh co mà tuyến đường sắt đi qua và trong quá trình sinh sống, đi lại, người dân đã tự ý mở các lối đi ngang qua đường sắt. Qua rà soát, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện còn 87 lối đi tự mở gây mất ATGT. Do đó, công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt gặp nhiều khó khăn, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế dẫn tới vi phạm hành lang ATGT, còn tình trạng ném đất đá lên tàu và thả rông trâu bò hai bên đường sắt.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo ngành đường sắt kiến nghị chính quyền các cấp, lực lượng chức năng Hà Tĩnh tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; chỉ đạo giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt có trọng điểm, có thời hạn cụ thể; chủ động thực hiện hiệu quả, có lộ trình cụ thể, đảm bảo tiến độ việc thu hẹp, giảm, xoá bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt. Trước mắt, bố trí kinh phí để tạo mặt bằng êm thuận, tăng thêm biện pháp cảnh báo tại các lối đi tự mở, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao…
Các đại biểu đã làm rõ nguyên nhân những hạn chế, bất cập trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó, yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động tiếp nhận thông tin và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt và tập trung làm rõ việc phân định ranh giới hành lang ATGT đường sắt; trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị và nguồn kinh phí xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị ngành đường sắt, cấp ủy chính quyền các cấp, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về ATGT đường sắt; khẩn trương phân định ranh giới ATGT đường sắt theo Nghị định của Chính phủ, trách nhiệm của địa phương và ngành đường sắt trong việc giải quyết các đường ngang, lối mở; có biện pháp giải tỏa, chống lấn chiếm hành lang ATGT, góp phần vào sự ổn định, phát triển của tỉnh. Đối với các kiến nghị, đề xuất của ngành đường sắt và ý kiến trao đổi của các đại biểu, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét, tiếp thu để tổng hợp báo cáo với các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Nguồn: Báo xây dựng