Hồi sinh những dòng sông
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển của các làng nghề… hiện các con sông trên (trừ sông Hồng) đã bị ô nhiễm nặng. Để làm “sống dậy” những dòng “sông chết”, thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai nhiều biện pháp khắc phục. Hy vọng, trong thời gian không xa, du khách và người dân lại được nhìn thấy một Hà Nội với cảnh “trên bến, dưới thuyền” tấp nập…
Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa qua, đã thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 1, để vừa lấy nước cải tạo sông Nhuệ, vừa giúp phòng chống ngập úng. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý. Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến được triển khai trong hai giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Trong quá khứ các nhánh sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch… bên cạnh chức năng điều hòa khí hậu, dẫn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, thoát nước, còn có chức năng vận tải, giao thương. Song vì nhiều lý do, hơn 2 thập kỷ qua, những dòng sông này đã trở nên ô nhiễm nặng. Từ dòng nước trong xanh, cá tôm bơi lội, thuyền bè đi lại, nay đã trở thành các “dòng sông chết”. Vì vậy, với việc thí điểm cải tạo, nâng cấp sông Nhuệ thành công và nếu có những cách làm hay, sẽ không chỉ khôi phục lại màu xanh cho con sông này, mà quan trọng hơn với chiều dài lên tới 62 km, nếu làm tốt việc cải tạo sẽ trở thành cơ hội để phát triển du lịch. Từ việc khôi phục và khai thác hiệu quả dòng sông này, sẽ là tiền đề tiếp tục cải tạo, nâng cấp các con sông Tô Lịch, Kim Ngưu…
Với một đô thị có vùng lõi là phố cổ, vùng ngoài là các đô thị hiện đại, ngoại thành là các vùng sinh thái, lại thêm việc khắc phục được những dòng “sông chết” để phát triển du lịch theo mô hình “trên bến dưới thuyền”, chắc chắn sẽ đưa du lịch Hà Nội lên tầm cao mới; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Lê Hà
Nguồn: Báo lao động thủ đô