Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm
(Xây dựng) – Chiều 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2024.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tới báo chí (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực
Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Trong quý I/2024, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại… Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.
Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ như: Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,77%, dưới ngưỡng Quốc hội giao (4-4,5%) và thấp hơn cùng kỳ (4,18%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%.
Tình hình tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu NSNN quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định.
Họp báo Chính phủ tháng 3/2024 được tổ chức ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra cùng ngày (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%). Thu hút đầu tư FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% và cao nhất trong 5 năm qua.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3/2024 có 14,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý I có 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Công tác chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng… được tổ chức tốt.
Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam (ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%; S&P dự báo tăng 6,8%; Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc…).
Sớm hoàn thành Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2024 về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại họp báo (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Theo đó, Bộ Xây dựng được Thủ tướng giao xây dựng 5 Nghị định, trong đó đối với Luật Nhà ở là 3 Nghị định (gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ); còn đối với Luật Kinh doanh bất động sản là 2 Nghị định (gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định liên quan tới tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ và 2 Thông tư liên quan đến hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở và ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản và điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; tập trung nghiên cứu, hoàn thành xây dựng dự thảo các văn bản nêu trên và đã đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, gửi văn bản lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến rộng rãi chính quyền, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.
“Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến, chúng tôi đang tổng hợp, tiếp thu và dự kiến sẽ gửi Bộ Tư pháp vào ngày 20/4 để cho ý kiến thẩm định, sau đó tiếp thu hoàn chỉnh và dự kiến đầu tháng 5 Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua 5 Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế
Theo ông Đỗ Thành Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ này đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung giải đáp các vấn đề xung quanh đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Cũng theo ông Đỗ Thành Trung, Bộ KH&ĐT đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như: Kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh…
Cụ thể: Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhóm chính sách thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Ví dụ những loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, rồi khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái…
Nhóm chính sách thứ ba là nhóm chính sách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.
Nhóm thứ tư là phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Chúng ta lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp này.
Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích phát triển khu công nghiệp.
Cuối cùng, thông qua các chính sách này, Bộ KH&ĐT nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này và là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước.
Nguồn: Báo xây dựng