Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách”

Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách”

Sáng 3/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo: “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách”.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh.

Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thông tin, trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm.

Đến ngày 31-12-2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển. Dù vậy, một trở ngại lớn là chưa có danh mục phân loại xanh làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định, việc ban hành danh mục phân loại xanh là bức thiết. Tuy nhiên, quá trình xây dựng danh mục sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt xác định cơ quan xác nhận phân loại xanh là các tổ chức độc lập, các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường hay các tổ chức tín dụng tự thực hiện.

Ngoài các tham luận, trong phần lớn thời gian tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, tài chính và một số ngân hàng thương mại, tổ chức quốc tế… cùng nhận diện và có thêm góc nhìn về những khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tìm giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, Ban tổ chức sẽ tổng hợp thông tin, kiến nghị để Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích