Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện

Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 22 đến 29/3), trên địa bàn thành phố có thêm 7 trường hợp mắc ho gà, rải rác tại 5 quận, huyện: Cầu Giấy, Đông Anh, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Phúc Thọ. Số ca mắc trong tuần qua giảm 1 trường hợp so với tuần trước đó.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc ho gà tại 16 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Cụ thể, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 65,6%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm tỷ lệ 71,8%).

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay, ghi nhận khoảng 40 trường hợp mắc ho gà, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, ở lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), với những trẻ nhỏ mắc ho gà chưa đến tuổi tiêm phòng điều trị tại Bệnh viện, phần lớn người mẹ chưa có kháng thể để bảo vệ trẻ. Nếu được tiêm đầy đủ thì người mẹ cũng có kháng thể, bảo vệ được con khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, tại bệnh viện cũng ghi nhận một vài ca bệnh lớn tuổi tuy đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do chưa được tiêm mũi nhắc lại.

Ho gà là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây nên. Ở giai đoạn sớm, bệnh có biểu hiện giống cảm lạnh thông thường, ho nhẹ kéo dài 1-2 tuần. Sau đó, bệnh tiến triển với các triệu chứng ho thành từng cơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ thường ho rũ rượi, không thể kìm hãm kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà đi kèm nôn nói, mệt mỏi. Các cơn ho mạnh và có thể lặp đi lặp lại, thường kéo dài 6-7 tuần. Trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt, trẻ dễ tử vong do tắc đường thở, mất nước.

Ho gà gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi và trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội… Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức. Tình trạng ho, đờm, nôn kết hợp và kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột.

Bệnh có đường lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh ho gà có khả năng lây lan cao, cụ thể, một người mắc bệnh có thể lây bệnh sang 12-17 người khác, và lây mạnh nhất trong 1-2 tuần đầu của bệnh. Môi trường sinh hoạt trong cùng không gian khép kín như hộ gia đình, trường học rất dễ lây lan bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh của những người tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng hộ gia đình có thể lên đến 90-100%.

Theo các chuyên gia y tế, ho gà ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm, thường diễn biến rất phức tạp và gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như viêm phế quản – phổi, viêm phổi… và là nguyên nhân của nhiều ca tử vong. Do đó, khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly với những trẻ khác và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích