Dịch diễn biến phức tạp, bất động sản cho thuê tiếp đà lao dốc
Mặt bằng nhà phố “nằm im chống dịch”
Trong nhiều thập kỷ qua, bất động sản cho thuê luôn giữ vững được vị thế của mình – là phân khúc tiềm năng có “sức hấp dẫn” với nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt trong đó, loại hình nhà phố là một biểu tượng thành công hơn cả. Tuy nhiên khi làn sóng Covid -19 xuất hiện, thị trường này lại ảm đạm chưa từng có.
Từ những ngày đầu dịch bùng phát, nhà phố cho thuê đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng khi làn sóng trả mặt bằng kinh doanh diễn ra đồng loạt khiến giá thuê nhà mặt phố lao dốc từ 40 – 50%.
Cụ thể, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến nhà phố cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại TP.HCM hay Hà Nội đều liên tục giảm mạnh nhưng vẫn khó giữ chân người thuê. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm 10 – 20% thì đến những tháng đầu 2021, giá thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn có giá giảm 50% so với năm 2019.
Lượng tin rao cho thuê nhà phố trong tháng 1/2021 giảm 32 – 34%, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê cũng tiếp tục giảm 16% so với tháng 12/2020. Ngay trong thời điểm đầu quý II/2021, nhu cầu tìm thuê nhà riêng, nhà mặt phố tại TP.HCM không cải thiện mà còn giảm thêm gần 11 – 18% so với nhu cầu tìm thuê của tháng 3 trước đó.
Theo khảo sát của PV, tại khu vực Hoàn Kiếm – trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi vẫn được xem là khu “đất vàng”, “thiên đường” mua sắm của du khách vốn đã đìu hiu từ những ngày đầu có dịch nay lại càng yên ắng hơn.
Dọc các dãy phố như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đường, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu… trung bình cứ 10 nhà phố có cửa hàng cho thuê thì cả 10 đều phải đóng cửa và 6 cửa hàng treo biển hạ giá thuê.
Chia sẻ với PV, anh Thắng – chủ một mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Đường than thở, khách thuê không chống chọi được với đại dịch Covid-19 nên phải trả lại mặt bằng từ hồi tháng 10/2020. Từ đó đến nay đã gần một năm, mặt bằng nhà anh vẫn “cửa đóng then cài”, treo biển cho thuê nhưng không ai để ý.
“Trước đây, mặt bằng này tôi cho thuê 80 triệu đồng/m2, trung bình một năm thu nhập là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi có dịch, việc buôn bán trở nên khó khăn, khách thuê không trụ nổi đã phải trả lại mặt bằng. Đã gần một năm nay tôi treo biển cho thuê nhưng vẫn không ai thuê nổi mặc dù tôi đã hạ giá 50% xuống còn 40 triệu đồng/m2”, anh Thắng chia sẻ.
Như vậy, bản chất các chủ mặt bằng cho thuê đã có những chính sách như hạ giá thuê nhằm kích cầu nhà đầu tư, nhưng dường như, sự ảnh hưởng của dịch bệnh cùng các biện pháp giãn cách xã hội như hiện nay nên không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm kinh doanh vào giai đoạn này.
Anh Thắng cho biết thêm: “Nếu như trước đây, chỉ cần phát đi thông tin có mặt bằng cho thuê thì một ngày đã có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu, khách cũ chưa chuyển đã có người mới tìm đến đặt cọc, chấp nhận giá cao hơn. Còn bây giờ, với tình hình giãn cách toàn thành phố như hiện tại thì xác định không có một ai tìm thuê”.
Căn hộ dịch vụ cho thuê từ “hạ giá” đến “đại hạ giá”
Tương tự loại hình nhà phố, thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê cũng đối mặt với thách thức giá thuê giảm, nhu cầu thuê thấp và lượng khách thuê trả lại nhà khá cao do tác động của đợt dịch mới. Giá thuê căn hộ năm 2020 đã giảm trên dưới 30% và đà giảm tiếp tục nối dài, rớt thêm 10 -15% do các chủ nhà hỗ trợ giá ngắn hạn cho khách thuê trong tháng 6/2021.
Báo cáo thị trường quý II/2021 của Colliers Việt Nam chỉ ra, không chỉ trong quý II, các quý trước đó, căn hộ dịch vụ cho thuê ghi nhận ít khách thuê hơn, nhiều căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp đang có tỷ lệ trống cao.
Tại TP.HCM, trong quý II/2021, không có nguồn cung căn hộ dịch vụ mới được bán ra thị trường và một số dự án đang kéo dài thời gian hoàn thành do khó khăn trong đợt đại dịch.
Giá cho thuê căn hộ dịch vụ liên tục ghi nhận giảm, mặc dù giá của năm 2020 đã ghi nhận giảm tới 30%. Cụ thể, giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A rơi vào khoảng 26,7 USD/m2/tháng và 25 USD/m2/tháng cho hạng B, giảm lần lượt 11,7% và 1,97% so với quý I. Tỷ lệ lấp đầy giảm từ 10 – 20% so với quý trước ở cả hai phân khúc. Ngoài ra, nhiều tòa nhà đã đóng cửa hoặc chuyển đổi thành các cơ sở cách ly để thích ứng với đại dịch.
Tại thị trường Hà Nội, tình hình nguồn cung và giá thuê cũng diễn ra tương tự. Giá chào thuê căn hộ dịch vụ tại Hà Nội liên tục ghi nhận giảm. Giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A giảm 6 – 8 USD/m2/tháng và 3 – 5 USD/m2/tháng đối với phân khúc hạng B. Tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm từ 15 – 25% so với quý trước.
Vốn là phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, nên mọi loại hình của bất động sản cho thuê đều chật vật và chưa tìm được “cửa sáng” từ năm 2020 đến nay. Từ mặt bằng nhà phố cho thuê “nằm im chống dịch” đến căn hộ dịch vụ “hạ giá” và “đại hạ giá”.
Lý giải về điều này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho rằng, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến khách hàng hạn chế trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng… Trong khi đó, thời điểm trước dịch, rõ ràng yếu tố vị trí thuận tiện, trung tâm, đã giúp những chủ cửa hàng ở mặt phố như khu vực Hoàn Kiếm dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch, nên tình hình kinh doanh tăng trưởng ổn định.
“Chính vì thế, dịch Covid-19 cùng các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh, dẫn đến nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi rất nhiều. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20 – 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê.
Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố hay căn hộ cho thuê vẫn sẽ tiếp diễn. Thị trường bán lẻ sẽ còn cần rất nhiều thời gian để phục hồi và lấy lại “phong độ” như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra”, bà Minh đánh giá.