Chụp X quang phổi trắng cảnh báo bệnh gì?

Chụp X quang phổi trắng cảnh báo bệnh gì?

Phổi có màu trắng thể hiện trên hình ảnh X quang phổi thường khiến người bệnh lo lắng. Trong hầu hết các trường hợp, đây là một vấn đề sức khỏe liên quan đến phổi. Chụp X quang phổi trắng có nguy hiểm không và cảnh báo bệnh gì?

Chụp X quang phổi thường được thực hiện trong các đợt kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ hoặc khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường liên quan đến hô hấp. Máy X quang sẽ phát ra các chùm tia X với năng lượng bức xạ điện từ cao. Khi đi qua phần trên cơ thể, hình ảnh phổi sẽ được hiển thị trên một tấm phim đặt phía sau người bệnh. Nhiều bệnh nhân chụp X quang phổi trắng tỏ ra vô cùng lo lắng. Vậy đây thực chất là triệu chứng của bệnh gì?
Chụp X quang phổi trắng là gì?
Chụp X quang phổi là kỹ thuật đã quá quen thuộc trong tầm soát, phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý về phổi được ứng dụng khắp thế giới trong nhiều thập kỷ. Máy chụp X quang có một ống đặc biệt có khả năng phát ra những chùm tia X bức xạ cao. Khi năng lượng bức xạ từ của tia X đi xuyên qua các cơ quan trong lồng ngực, hình ảnh bên trong lồng ngực sẽ được ghi lại trên phim X quang.
Các cơ quan, tổ chức bên trong lồng ngực sẽ hiển thị trên phim X quang với các màu sắc trắng, xám, đen với mức độ đậm nhạt khác nhau. Điều này phụ thuộc vào mức độ hấp thụ tia X của từng loại mô và cơ quan. Các mô dày như xương có thể chặn hầu hết tia X nên trên phim X quang sẽ hiển thị vùng trắng trên nền đen. Các mô mềm như cơ, mỡ sẽ chặn được ít bức xạ hơn nên hiển thị trên phim X quang là màu xám. Những khối u có cấu trúc đặc hơn các mô xung quanh nên hiển thị thành màu xám nhạt. Những cơ quan chứa không khí là chủ yếu như phổi thường hiển thị trên phim X quang là màu đen.
Căn cứ vào hình ảnh trên phim này, các bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề bất thường, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, chụp X quang phổi trắng cũng có thể là một dấu hiệu bất thường cảnh báo một bệnh lý hay tổn thương nào đó ở phổi.
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 
Các tình trạng phổi có thể hiển thị X quang phổi trắng
Hình ảnh hiển thị chụp X quang phổi có đốm trắng trên phim X quang có thể phản ánh một số tình trạng phổi dưới đây:
Nốt phổi đơn độc
Những đốm trắng có đường kính dưới 4cm hiển thị trên phim X quang được gọi là nốt đơn độc phổi (tên tiếng Anh là pulmonary nodule). Những nốt đơn độc này có thể cảnh báo bệnh viêm phổi, phổi nhiễm nấm, bệnh lao, bệnh ung thư. Đôi khi, những nốt đơn độc này chỉ là sẹo phổi do tình trạng nhiễm trùng trước đây để lại.
Cảnh báo ung thư phổi
Nếu đốm trắng ở phổi hiển thị trên phim X quang là một khối màu trắng dày đặc với đường kính lớn hơn 3cm, hầu hết các trường hợp đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư.
Vùng đông đặc phổi
Các đám phổi màu trắng trên phim X quang hiển thị như những vùng đông đặc phổi có thể hình thành do phổi bị nhiễm vi khuẩn, virus dẫn đến hình thành áp xe phổi hoặc viêm phổi, lao phổi. Trong các vùng đông đặc phổi này thường là các túi khí nên hiển thị trên phim X quang là những đốm trắng không đồng nhất.
Phổi trắng khi chụp X quang do xơ phổi
Phim chụp X quang phổi trắng ở một vùng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng xơ phổi. Xơ phổi hình thành khi một vùng phổi bị tổn thương nên hình thành sẹo, làm co rút các mô phổi xung quanh. Xơ phổi hậu Covid hay phổi trắng xóa hậu Covid là tình trạng một bên hoặc cả hai bên lá phổi bị tổn thương dẫn đến xơ cứng sau khi bệnh nhân mắc Covid. Virus gây bệnh Covid-19 làm tổn thương các tế bào phổi và sự phá hủy của virus là một trong những nguyên nhân chính gây phổi trắng hậu Covid.
Tình trạng xẹp phổi
Phổi bị trắng trên hình chụp X quang cũng có thể do nguyên nhân xẹp phổi. Phổi có thể bị xẹp một phần hay toàn bộ do đường dẫn khí đến các phế nang bị tắc nghẽn, do tràn dịch màng phổi hay tràn khí màng phổi.
Dày màng phổi hay xơ cứng màng phổi
Màu trắng xuất hiện ở vùng ranh giới ngoại vi của phổi là tình trạng dày màng phổi hay xơ cứng màng phổi có thể là kết quả của quá trình lành sẹo do viêm nhiễm màng phổi.
Tràn dịch màng phổi
Nếu người bệnh bị tràn dịch màng phổi, hình chụp X quang phổi cũng có thể hiển thị phổi màu trắng thay vì màu đen. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi (khoảng trống giữa thành ngực và mặt ngoài của phổi).
Tràn khí màng phổi
Phim chụp X quang của phổi có màu trắng cũng có thể cảnh báo tình trạng tràn khí màng phổi. Thông thường, phổi chứa nhiều không khí nên hiển thị trên phim X quang sẽ màu đen. Các vùng bất thường màu trắng trong khoang màng phổi có thể do các bóng khí, kén khí ở mặt bên ngoài phổi tự vỡ ra.
Bệnh lý phổi màu trắng
Bệnh phổi màu trắng là tình trạng phổi 1 bên hoặc cả hai bên bị tổn thương, xơ cứng và mất dần chức năng trao đổi oxy khiến người bệnh có triệu chứng khó thở. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi màu trắng, trong đó có các nguyên nhân điển hình nhất như:
Người hút thuốc lá chủ động hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động. Thậm chí, những người hút thuốc lá thụ động còn phải đối mặt với nguy cơ phổi màu trắng cao hơn người hút thuốc trực tiếp.
Thời tiết thay đổi bất thường khiến người bệnh dễ mắc bệnh lý đường hô hấp. Những bệnh lý này kéo dài, lặp lại liên tục là điều kiện thuận lợi dẫn đến bệnh lý phổi màu trắng.
Môi trường ô nhiễm với các yếu tố khói, bụi, hóa chất độc hại (nhất là Uranium, Amiang và thạch tín) gây ra nhiều bệnh hô hấp trong đó có bệnh phổi màu trắng.
Chụp X quang phổi trắng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý về phổi nghiêm trọng. Để chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ cần so sánh các vùng phổi, tìm kiếm sự bất đối xứng của mật độ phổi… hoặc chỉ định thêm các xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ liên quan đến phổi, người bệnh nên thăm khám ngay. Việc phát hiện sớm các bất thường ở phổi giúp việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích