Đồng Tháp cải thiện phương pháp sản xuất tinh gọn-Lean và công cụ nâng cao năng suất
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, tăng năng suất chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp, tăng năng suất tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Đối với người lao động, tăng năng suất dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Năng suất lao động tăng thì làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sản phẩm vì tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên một đơn vị sản phẩm.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND của UBND Tỉnh về “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” năm 2024 với mục đích hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất chất lượng trên cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến, nâng cao năng lực sáng tạo trong thời kỳ hội nhập kinh tế góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Không ngừng mở các lớp tập huấn hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về phương pháp sản xuất tinh gọn-Lean và công cụ nâng cao năng suất. Thông qua lớp tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về lợi ích, mục tiêu của phương pháp sản xuất tinh gọn-Lean; các công cụ dùng nâng cao năng suất, chất lượng, lợi ích và phương pháp áp dụng; thực hành phương pháp sản xuất tinh gọn…
Qua đó, giúp cho doanh nghiệp có thêm kiến thức về mô hình quản lý sản xuất tinh gọn theo công cụ Lean – 5S và loại bỏ bớt những thách thức, các lãng phí trong hoạt động, linh hoạt và thích ứng với các biến động do thị trường; tích luỹ kinh nghiệm và năng lực để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ được rất nhiều lợi ích khi áp dụng Lean như: nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm áp lực cho người lao động và gắn kết người lao động nhiều hơn với công việc.
Theo các chuyên gia, Lean là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho khách hàng cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ của một tổ chức, từ đó giúp cắt giảm chi phí (đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận), tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, đồng thời tăng khả năng, đáp ứng một cách linh hoạt các yêu cầu không ngừng biến động và ngày càng khắt khe của khách hàng. Lean tập trung vào việc nhận diện và loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phì trong chuỗi các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ của một tổ chức.
Trong sản xuất Lean, giá trị của một sản phẩm do khách hàng quyết định, sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng, thời gian và giá cả. Để đánh giá giá trị từ góc nhìn của khách hàng, các công ty phải phân tích kỹ lưỡng mọi quá trình kinh doanh, nhận biết đâu là giá trị trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Lean trước hết là phải hiểu được tất cả mọi hoạt động cần thiết để làm ra một sản phẩm cụ thể, sau đó tối ưu hóa toàn bộ quá trình từ góc nhìn của khách hàng. Quan điểm này rất quan trọng vì nó giúp nhận biết hoạt động nào thực sự tạo ra giá trị, hoạt động nào không tạo ra giá trị nhưng cần thiết và hoạt động nào không tạo ra giá trị cần phải loại bỏ.
Hoạt động tạo ra giá trị là những hoạt động mà khách hàng sẵn sàng trả tiền và ngược lại, hoạt động không tạo ra giá trị là hoạt động không cần thiết để vận hành tổ chức và không đem lại lợi ích gì cho khách hàng. Những hoạt động này theo cách hiểu của Lean được gọi là những lãng phí cần loại bỏ hoặc giảm thiểu. Lean mang lại những cải thiện đáng kể về năng suất chất lượng cho quá trình tạo sản phẩm nhờ giảm thiểu tình trạng sai lỗi và các lãng phí.
Tổ chức, doanh nghiệp sẽ có được rất nhiều lợi ích khi áp dụng Lean như nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm áp lực cho người lao động và gắn kết người lao động nhiều hơn với công việc.
Lean mang lại cải thiện đáng kể về năng suất chất lượng cho quá trình tạo sản phẩm nhờ giảm thiểu tình trạng sai lỗi và các lãng phí. Đồng thời, áp dụng Lean cải thiện thời gian chu kỳ sản xuất giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, năng suất lao động và hiệu suất quá trình tạo sản phẩm cao hơn thông qua giảm chờ đợi (giữa người-người; giữa người-máy móc), giảm di chuyển, giảm các thao tác thừa trong quá trình làm việc/vận hành.
Bên cạnh đó, mỗi người lao động trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình tạo sản phẩm có nhận thức, tư duy rõ ràng về khái niệm giá trị và các hoạt động gia tăng giá trị cho khách hàng trong công việc, từ đó tích cực đóng góp vào chuỗi giá trị của toàn tổ chức để cung cấp cho khách hàng theo nguyên tắc thực hiện chất lượng ngay từ nguồn.
An Dương