Cần cân nhắc “Không lấy mẫu, kiểm định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo QCKT môi trường”

Cần cân nhắc “Không lấy mẫu, kiểm định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo QCKT môi trường”

MTĐT –  Thứ bảy, 09/10/2021 12:34 (GMT+7)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như căn cứ thực tiễn quản lý nhà nước về môi trường tại thành phố Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ góp ý đề xuất một số nội dung vào dự thảo Nghị định.

tm-img-alt
Ảnh Đào Quang Minh

Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản góp ý, đề xuất sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), bổ sung nội dung về nhập khẩu phế liệu, phương án cải tạo phục hồi môi trường… 

2. Về giải thích từ ngữ (Điều 3), cần nghiên cứu đồng nhất “hệ thống thoát nước” (Khoản 1) với giải thích từ ngữ này ở Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 (Khoản 10 Điều 2).

(“1. Hệ thống thoát nước gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa), các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải”.

Và 

“10. Hệ thống thoát nước gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa…), các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước được chia làm các loại sau đây:

– Hệ thống thoát nước chung là hệ thống trong đó nước thải, nước mưa được thu gom trong cùng một hệ thống;

– Hệ thống thoát nước riêng là hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt;

– Hệ thống thoát nước nửa riêng là hệ thống thoát nước chung có tuyến cống bao để tách nước thải đưa về nhà máy xử lý”).
   

3. Cần xem xét, giai thích lại các cụm từ ngữ “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề” và “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong khu dân cư, làng nghề” (Khoản 2, 3 Điều 3) vì có những loại hình hoạt động hoặc hành vi xả thải chất thải không đúng quy định có khả năng tác động lớn, tác động nghiêm trọng đến môi trường nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phát hiện kịp thời hoặc chưa bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường hoặc chủ dự án có khả năng khắc phục được nhưng cố tình không khắc phục… Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung thông số bụi và mùi vào nội dung này, vì trong thời gian qua, phần lớn các nội dung phản ánh của người dân, của chủ cử tri, khiếu nại có liên quan nhiều đến yếu tố bụi và mùi.

4. Đối với nội dung tiêu chí “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân” (Khoản 4, Điều 3) cần xem xét, giải thích lại. Đối với loại hình xay xát, lau bóng lúa gạo (có thể là đặc trưng của khu vực miền Tây) thì các cá nhân, tổ chức có thể là Doanh nghiệp tư nhân, Công ty nhưng đối với loại hình này phát sinh nước thải, khí thải rất ít có thể dưới 5m3/ngày nhưng loại hình hoạt động này phát sinh lượng lớn bụi, mùi (mùi chua từ quá trình sấy lúa ướt) và cũng là yếu tố dẫn đến khiếu nại, phản ánh của người dân, cử tri…. Đồng thời, tại Điều 40 của Dự thảo Nghị định cũng miễn thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường. Điều này là chưa phù hợp, chưa hiệu quả trong việc kiểm soát, quản lý phát thải chất thải của dự án.

5. Đối với các giải thích từ ngữ “tái sử dụng chất thải”, “sơ chế chất thải”, “sơ chế phế liệu”, “tái chế chất thải”, “xử lý chất thải” được trình bày trong Điều 3 cần xem xét đến yếu tố việc các doanh nghiệp, người dân sử dụng các “chất thải” từ quá trình sản xuất này để làm “nguyên liệu” cho quá trình sản xuất khác chẳng thì được phân loại vào nhóm nào để xác định thủ tục tục môi trường cho phù hợp, hạn như: sử dụng trấu từ quá trình xay xát lúa làm nguyên liệu cho việc sản xuất củi trấu; sử dụng phế phẩm, phụ phẩm (đầu cá, mỡ cá…) từ quá trình chế biến thủy sản làm nguyên liệu sản xuất chế biến mỡ cá, bột cá, thức ăn chăn nuôi; sử dụng các lon bia, lon nước ngọt để nấu, tái chế và sản xuất thành dụng cụ gia dụng khác như nồi, thao,…; bả hèm của quá trình sản xuất bia được sấy chế biến phục vụ cho quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi;… 

6. Cần sửa lại tên gọi chung của “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (Khoản 16 Điều 3) vì ứng với thủ tục báo cáo ĐTM/đề án BVMT chi tiết/cam kết BVMT/KBM/Đề án BVMT đơn giản/đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường có khác nhau về nhóm đối tượng, cấu trúc và các thủ tục hậu phê duyệt/xác nhận cũng khác nhau. 

7. Về tham vấn cộng đồng, cần quy định cụ thể đối với dự án có phạm vi rộng trong việc sử dụng đất như khu đô thị, khu dân cư, đường giao thông… cần quy định tham vấn là chỉ tham vấn đối với các đối tượng tiếp giáp có khả năng chịu ảnh hưởng của trong quá trình triển khai, thi công xây dựng và vận hành dự án hay tham vấn cả các đối tượng nằm trong vùng diện tích đất của dự án thuộc diện phải giải tỏa, di dời, đền bù, hỗ trợ, tái định cư.

8. Theo quy định quy định tại Khỏa 4 Điều 33 thì việc tham vấn được thực hiện thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và một hoặc các hình thức tổ chức họp lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Do đó, việc tham vấn đối với dự án đặc thù Khoản 5 Điều 25 chỉ Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử là chưa phù hợp vì Luật chưa quy định miễn tham vấn hoặc chỉ tham vấn duy nhất bằng cách thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử 

9. Việc quy định “Trong thời hạn tối đa 24 (hai mươi bốn) tháng, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” (Khoản 1 Điều 26) là thời gian khá lâu, điều này khó trong việc giám sát, quản lý hồ sơ dự án. Khuyến nghị chỉ cho thời hạn 12 tháng như hiện nay.

10. Cần bổ sung quy định việc thực hiện đã thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vì trong thực tế có nhiều trường hợp này xãy ra trong thực tế ở các doanh nghiệp đang hoạt động.

11. Về chương trình quan trắc, giám sát môi trường cần đưa vào phần nội dung của nghị định để tạo tính pháp lý và thống nhất về vị trí, tần suất giám sát cho tất cả các dự án ở các thế hệ văn bản đã ban hành.

12. Việc thu hồi các giấy phép môi trường cấp không đúng thẩm quyền và giấy phép môi trường trái với quy định pháp luật Khoản 6, 7 Điều 29 cần quy định cơ quan có thẩm quyền xác định/khẳng định giấy phép môi trường đó không đúng thẩm quyền hoặc trái quy định pháp luật.

13. Việc quyết định thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng khu vực thực
hiện dự án đầu tư (Phụ lục 20) là không cần thiết, điều này phát sinh, tốn kém thời giam trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đề xuất nên kiểm tra hiện trạng khu vực dự án khi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập hội đồng hoặc đoàn kiểm tra và việc kiểm tra hiện trạng khu vực dự án do Chủ tịch Hội đồng/Trưởng đoàn kiểm tra quyết định hoặc giao cơ quan thường trực kiểm tra hiện trạng khu vực dự án.

14. Việc vận hành thử nhiệm, chỉ quy định “tần suất quan trắc chất thải
sau xử lý trong quá trình vận hành thử nghiệm là 10 ngày/lần; số mẫu phải lấy tối thiểu là 03 mẫu” (Khoản 4 Điều 38) là còn cảm tính, chưa có cơ sở và chưa đánh giá được hiệu quả xử lý. Đề xuất khuyến nghị như sau tần suất quan trắc chất thải sau xử lý trong quá trình vận hành thử nghiệm là 05 ngày/lần; số mẫu phải lấy tối thiểu là 05 mẫu trong đó có ít nhất một mẫu nước thải đầu vào và 03 mẫu của 03 ngày liên tiếp”. Đồng thời, đề nghị không quy định việc đánh giá phải được thực hiện cho từng công đoạn xử lý và toàn bộ hệ thống xử lý (lấy mẫu tổ hợp) vì việc thực hiện này nên giao trách nhiệm đánh giá của nội bộ chủ dự án với nhà thầu và việc thu mẫu tổ hợp và trộn lại không mang tính chất đại diện, mẫu nước sau xử lý ứng với từng thời điểm khác nhau sẽ có kết quả ứng với thời điểm đó.

15. Đối với Khoản 5 Điều 38, “trường hợp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm” nội dung này cần nêu rõ là mỗi cấp thực hiện kiểm tra, giám sát riêng hay do cơ quan cấp tỉnh quyết định việc kiểm tra, giám sát hoặc tự phân công trách nhiệm giám sát.

16. Đối với các đối tượng miễn đăng ký môi trường, cần xem xét phương án thực hiện thủ tục đối với các thế hệ văn bản Luật/Nghị định trước đây được miễn nhưng giờ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký môi trường và ngược lại (nếu có); đồng thời xem xét các yếu tố các dự án trước đây thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM nhưng đến thời điểm hiện tại thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường hoặc miễn đăng ký thì thực hiện như thế nào nếu trường hợp chủ dự án muốn “hạ thủ tục”.

17. Về nhập khẩu phế liệu (Điều 55), đề nghị xem xét, cân nhắc đến nội dung “không lấy mẫu, kiểm định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường” (Điểm b Khoản 2). Điều này có thể tạo sơ hở để cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhập khẩu phế liệu thực hiện các hành vi vi phạm. Đồng thời, xem xét bổ sung giao cho địa phương kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu phế liệu, kiểm tra điều kiện bảo vệ môi trường trong việc nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất đối với các địa phương có các doanh nghiệp hoạt động có nhập khẩu phế liệu.

18. Đối với nội dung tại Khoản 10, 11 Điều 59, đề nghị bổ sung thêm ngoài việc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng phải báo cáo, cung cấp thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường.

19. Đối với việc quy định đối với khoảng cách an toàn đối với khu dân cư cần cẩn trọng xem xét, quy định cụ thể đối với nội dung này do hiện nay ảnh hưởng bởi hệ lụy của việc quy hoạch không đồng bộ, chưa hợp lý cùng với tốc độ đô thị hóa nên việc ảnh hưởng và không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với khu dân cư hoặc có đảm bảo khoảng cách theo một số quy chuẩn nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến người dân, khu dân cư.

20. Xem xét, chỉnh sửa lại nội dung tại Khoản 1 Điều 66 vì khi chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân sẽ ản hưởng đến cơ chế giá xử lý chất thải sinh hoạt.

21. Cần xem xét, điều chỉnh lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp (Điều 68) đồng bộ với Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Đồng thời, sửa nội dung ở Khoản 3 đối với cụm từ “khoản 1 Điều này” thành “khoản 2 Điều này”.

(* Điều 68 Dự thảo Nghị định:

2. Các thành phố trực thuộc trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận
hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp thấp hơn 30%.

3. Các tỉnh, thành phố không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp thấp hơn 50%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ vi sinh hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ vi sinh.

* Mục 12 của Chỉ thị số 41/CT-TTg:

h) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.

i) Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost).

22. Sớm ban hành quy nội dung tại Điểm b Khoản 2 Điều 75 (Ban hành hướng dẫn kỹ thuật việc xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, bao gồm cả tro, xỉ, thạch cao không thể sử dụng, tái chế hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng).

23. Bổ sung đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường trong thành phần hội đồng thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để làm cơ sở xem xét, kiến nghị việc quản lý các cơ sở này có đảm bảo đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ theo quy định của Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

24. Đối với các thông số quan trắc nước thải trực tuyến, tự động, liên tục, đề nghị quy định cụ thể thông số cơ bản hoặc công khai, công bố thông tin các thiết thiết bị, máy móc, đầu dò (sensor) của các thông số quan trắc nước thải, khí thải tại Việt Nam để làm cơ sở yêu cầu trong nội dung phê duyệt/xác nhận.

25. Một số đề nghị khác:

25.1. Xem xét, quy định chi tiết hơn về cấu trúc báo cáo (chủ dự án tự lập báo cáo tự quy định trình tự cấu trúc trên cơ sở nội dung quy định có được không ?), trình tự thẩm định, phê duyệt đánh giá sơ bộ tác động môi trường (tổ chức thẩm định riêng rồi phê duyệt kết quả bằng hình thức quyết định hay công văn ? Hay thẩm định lồng ghép vào hội đồng quyết định Chủ trương đầu tư ?) tại Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

25.2. Về yếu tố thời gian trong việc thực hiện thủ tục hành chính, hiện tại chúng ta đang hướng đến nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp nên việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính là một tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian cũng cần nghiên cứu đảm bảo yếu tố khách quan như Lãnh đạo bận hội họp, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính có kiêm nhiệm công tác khác do hiện nay việc áp dụng chính sách tinh giản biên chế, áp lực xem xét đánh giá công chức không hoàn thành nhiệm vụ khi có hồ sơ trễ hẹn.

25.3. Nội dung Nghị định khá lớn, hơn 500 trang giấy, kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đóng thành quyển gửi cho các địa phương để tiện nghiên cứu, áp dụng, thi hành.

25.4. Kiến nghị xem xét chỉnh sửa hoặc chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung quy định chức năng nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường trong việc thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra môi trường… Cập nhật bổ sung, hoặc bãi bỏ nội dung “giao Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành” tại Điểm e Khoản 3 Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích