Vĩnh Phúc: Chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa
(Xây dựng) – Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Chùa Dạ Khách được tu bổ lại với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa. |
Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích, cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia, di tích cấp tỉnh… Qua đó vừa giới thiệu tới du khách thập phương hiểu hơn về giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của Vĩnh Phúc, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn thể nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn các di tích.
Tuy nhiên, do các di tích được xây dựng từ lâu đời, theo thời gian, nhiều hạng mục của các di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ hư hại. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nguồn ngân sách và nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa cho công tác tôn tạo, tu bổ các di tích. Từ thực tế cho thấy, nguồn kinh phí ngân sách dành cho công tác này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, để trùng tu tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa từ nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Đỗ Thị Mai Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lập Thạch cho biết: Trên địa bàn huyện Lập Thạch hiện có trên 160 di tích lịch sử văn hóa và di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng quốc gia, 62 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và trên 80 di tích chưa xếp hạng. Công tác quản lý Nhà nước đối với việc tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích lịch sử văn hóa từng bước được các cấp các ngành quan tâm, tăng cường quản lý, hỗ trợ kinh phí và hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích. Tính từ năm 2020 đến nay, chính quyền và nhân dân huyện Lập Thạch đã dành gần 59 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa, cải tạo, phục hồi các di tích lịch sử – văn hóa bị xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh là gần 12 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa trên 47 tỷ đồng.
Chùa Dạ Khách tại xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây có dấu ấn của đại công thần Trần Nguyên Hãn, người đã có công chiến đấu đánh giặc ngoại xâm cùng vua Lê Lợi. Trải qua năm tháng, chùa Dạ Khách đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo điều kiện phục vụ nhu cầu tâm linh cho nhân dân, phật tử trong và ngoài xã Xuân Lôi. Được sự đồng ý của cấp trên, đầu tháng 7/2022, chùa Dạ Khách được khởi công, tôn tạo. Sau gần 2 năm thi công, ngôi chùa đã hoàn thành với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa do các tập thể, cá nhân công đức tài trợ, gồm có các hạng mục: Nhà giảng đường, nhà thờ mẫu, ngôi tam bảo và các công trình khác như tháp, lầu địa tạng, nhà ăn, tường rào, lải lát gần 1.400m2 sân, công trình vệ sinh.
Việc khánh thành và đưa vào sử dụng chùa Dạ Khách góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, là biểu thị sự thành kính, biết ơn công đức của các vị tiền bối đã có công với nước. Đồng thời cũng là nơi thờ phật, thờ mẫu tôn nghiêm, tạo tinh thần phấn khởi cho nhân dân góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tam Dương là một trong những địa phương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú; trong đó, có 60 di tích đã được xếp hạng, 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là đình Phú Vinh và đình Phú Thượng thuộc xã Duy Phiên.
Cùng với việc giữ gìn và bảo vệ các di tích, nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích. Các di tích sau khi được tu bổ đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan.
Chùa Hương Đình tại thôn Hương Đình, xã An Hòa là ngôi chùa cổ, trải qua nhiều thế kỷ và sự tàn phá của chiến tranh, kiến trúc cổ của chùa đã bị phá hỏng và mục nát. Đến năm 1998, nhân dân thôn Hương Đình đã đóng góp tiền của, ngày công để phục hồi, xây dựng và tôn tạo lại ngôi chùa với quy mô nhỏ gọn; mặt bằng kiến trúc thiết kế theo kiểu chữ Đinh.
Năm 2010, chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo thời gian, ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân thôn Hương Đình muốn tu bổ, tôn tạo lại ngôi chùa bằng hình thức xã hội hóa, UBND xã An Hòa đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và được UBND tỉnh cấp phép tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hương Đình. Sau nhiều tháng thi công, ngôi chùa đã được khánh thành vào ngày 18/02/2024.
Đình Vân Hội được phục hồi trên nền đất cũ bằng nguồn vốn xã hội hóa. |
Đình Vân Hội, xã Vân Hội, huyện Tam Dương được xây dựng vào thời nhà Nguyễn thế kỷ 19, thờ 3 vị thần là Tòng Thiên đại tướng quân, Quý Minh Đại vương và thần Linh Dong là những người có công lớn hộ quốc, giúp dân. Đây là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh đầu tháng 01/2024.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Vân Hội bị phá hủy hoàn toàn, các hiện vật trong đình bị thất lạc nhiều, một số được gửi sang đền Vân Hội. Đến năm 2020, với sự ủng hộ của chính quyền và sự đồng tâm góp sức của nhân dân thập phương đóng góp, đình Vân Hội được phục hồi trên nền đất cũ theo phong cách truyền thống với quy mô khang trang và bề thế bằng nguồn vốn xã hội hóa khoảng gần 10 tỷ đồng.
Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Dương Đoàn Ngọc Chiến cho biết: Hàng năm, UBND huyện Tam Dương chỉ đạo UBND xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn chủ động kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện có khoảng 2-5 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo.
Thời gian tới, UBND huyện Tam Dương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa, qua đó, huy động nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng để thực hiện hiệu quả công tác tu bổ, trùng tu, phục dựng di tích, đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Nguồn: Báo xây dựng