Hiệu quả lớn từ chương trình “Góp một cây để có rừng” do VARS khởi xướng
(Xây dựng) – Trong 3 năm qua, Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Trị và Quảng Bình trồng được hơn 521ha rừng, tương đương với 617.102 cây giống bản địa như: Lim, dổi, huỷnh, vàng tâm, re, lát, xoan…
Ông Phan Văn Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, ông Ngô Sĩ Hoài và bà Nguyễn Thy Dung chủ trì cuộc tọa đàm. |
Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) và UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức chương trình tham quan mô hình rừng trồng và tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn”.
Đây là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2024 và hưởng ứng Ngày quốc tế về rừng.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong 3 năm (2021-2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng là 9.449 tỷ đồng, trong đó có tới 4.111 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa (chiếm 43,5%). Điển hình là Công ty VARS với dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn”. Dự án này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp một cây để có rừng”.
Ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phục hồi rừng tự nhiên có một ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển bền vững”. VARS đã nỗ lực trong việc phục hồi rừng bằng cách trồng các giống cây bản địa ở những vùng đầu nguồn các con sông lớn như sông Gianh, sông Thạch Hãn.
Các địa phương và các đại biểu đánh giá, trong điều kiện chưa có một sinh kế rõ ràng, lâu dài cho người trồng rừng mà trong 3 năm qua, VARS đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Trị và Quảng Bình trồng được hơn 521ha rừng, tương đương với 617.102 cây giống bản địa như: Lim, dổi, huỷnh, vàng tâm, re, lát, xoan… là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Năm 2023, VARS đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích này.
Các đại biểu tham quan mô hình rừng trồng trên địa bàn bằng vốn của VARS ở Tuyên Hóa. |
Ông Cao Văn Nam, cán bộ quản lý rừng cộng đồng huyện Đakrông, Quảng Trị chia sẻ: Cây gỗ lớn bản địa làm tăng giá trị và mới có ý nghĩa bảo vệ sinh thái nhưng người dân e dè vì chọn trồng keo (dăm gỗ) thì mới tính toán được nguồn thu trong một số năm nhất định.
Ông Trần Tấn Phương, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, một người trồng rừng từ nguồn vốn của VARS nêu thực tế: Vì chúng ta đang phục hồi rừng trên những phần đất đã bị thoái hóa cần phải đầu tư cao hơn. Vận động hộ nghèo trồng rừng là không hiệu quả vì thiếu ăn thì họ không thể giữ rừng. Tôi có lập một hợp tác xã gồm những người có thu nhập ổn định cùng trồng rừng. Chúng tôi đầu tư phần dư dả cho rừng.
Giáo sư Trần Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cây di sản Việt Nam cũng nêu giải pháp về đa dạng hóa nguồn thu bằng cách, thay vì trồng rừng thuần nên trồng rừng hỗn giao (đa loài, đa tuổi) và đưa những loại lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng.
TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhất trí với đánh giá, người dân mà không nhìn thấy lợi ích thì rừng sẽ rất khó giữ, tuy nhiên, theo ông, nhìn thu nhập từ trồng keo là cái nhìn ngắn hạn, có một nguồn thu khả thi khác từ rừng nữa là tín chỉ carbon.
Ông Vũ Xuân Thôn – Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam chia sẻ, lấy được tiền tín chỉ carbon đã khó, chia tiền còn khó hơn. Tín chỉ carbon các nước làm nhiều nhưng chúng ta mới chỉ thí điểm quốc gia ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Chính phủ đang giao các cơ quan hoàn thiện quy trình pháp lý để khai thác hiệu quả. Để chứng minh được khối lượng tín chỉ carbon từ rừng không dễ.
Còn theo TS. Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, một đất nước muốn đa dạng hóa sinh học phải giữ và phục hồi được rừng tự nhiên. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản sẽ huy động các doanh nghiệp làm ăn ổn định đóng góp cho chương trình trồng rừng bằng các giống cây bản địa nhất là những doanh nghiệp hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu khai thác từ trong nước.
Chương trình “Góp một cây để có rừng” do VARS khởi xướng là một hành động cụ thể, hiệu quả trong việc hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thy Dung – Giám đốc Trung tâm Phát triển bất động sản RED Center, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gọi sự hưởng ứng này của cộng đồng là “hành động tập thể để làm mát mẹ Trái đất”.
Một cây của VARS có giá 50.000 đồng, góp trực tiếp vào hai tài khoản: 213216, Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội và 19036682427014, Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam).
Bằng thông điệp “Góp một cây để có rừng”, gửi tới cộng đồng, tính tới ngày 21/3/2023, VARS đã nhận được 3.538 lượt đóng góp, trong đó chủ yếu là đóng góp của các cá nhân và của 21 tổ chức, doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng