Lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình chênh lệch giảm 333 tỷ đồng sau khi kiểm toán
(Xây dựng) – Ngày 01/04, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được giải trình chi tiết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (gọi tắt là Hòa Bình, HOSE: HBC) về sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp này sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty tự lập giảm đến 333 tỷ đồng.
Được biết, vào ngày 30/3/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán chênh lệch so với số liệu báo cáo tài chính do Công ty tự lập giảm 333 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Hòa Bình đã có công văn giải trình rất chi tiết gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đính kèm Báo cáo tài chính kiểm toán, với 3 nội dung chính.
Trong năm 2023, Hòa Bình đã ký hợp đồng bán một số khoản nợ phải thu cho một công ty mua bán nợ. Theo hợp đồng, khoản nợ này HBC sẽ thu trong vòng 12 tháng và chúng tôi đã ghi nhận lợi nhuận của giao dịch này sau khi HBC đã chuyển giao các món nợ cho bên mua và nhận được thanh toán 10% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của kiểm toán AASC, liên quan đến tính chắc chắn của việc mua bán khoản nợ, chỉ khi bên mua trả được toàn bộ khoản nợ này trong năm 2023 thì mới được ghi nhận toàn bộ giá trị mua bán nợ đó vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp (điều này không có quy định cụ thể trong chế độ kế toán Việt Nam). Do đó, AASC chỉ đồng ý ghi nhận lợi nhuận khoản tiền đã thu được trong năm 2023 là 29,8 tỷ đồng, phần còn lại sẽ ghi nhận tương ứng theo giá trị thực thu vào từng thời điểm thu thêm.
Vì vậy, AASC đã điều chỉnh giảm lợi nhuận tương ứng là 258,7 tỷ. Thực tế, hiện nay HBC đang thu tiền mua bán nợ phù hợp với tiến độ quy định trong hợp đồng. Ngoài 29,8 tỷ đồng đã thu trong năm 2023, vào cuối tháng 3 năm 2024, HBC đã thu được thêm số tiền 42 tỷ đồng. Khoản bán nợ này dự kiến sẽ được ghi nhận toàn bộ trong năm 2024 như một khoản lợi nhuận đột biến do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Ngoài ra, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Kiểm toán AASC điều chỉnh tăng trích lập dự phòng phải thu khách hàng tính theo tuổi nợ đối với nhóm 3 khách hàng chiến lược của HBC khiến cho lợi nhuận sau kiểm toán giảm 63,3 tỷ đồng.
Theo HBC, ba khách hàng này đều là những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh với tài sản là những dự án rất lớn, có giá trị cao nhưng ghi nhận trong sổ sách theo nguyên giá thì rất thấp. Đồng thời, HBC đã có quá trình hợp tác rất tốt qua nhiều năm (trên 10 đến trên 20 năm), đã và đang nhận thầu nhiều dự án lớn của những khách hàng này.
Nếu tính từ đầu năm đến cuối năm 2023 thì 3 khách hàng trên đã chuyển hơn 1.109 tỷ đồng cho HBC và riêng từ 01/01/2024 đến nay, đã chuyển thêm hơn 119 tỷ đồng. Ngoài tiềm lực tài chính đã được xác minh, không có rủi ro nào khác làm cho HBC không thu được các khoản nợ của 3 khách hàng.
Phần còn lại 10,9 tỷ đồng là một số điều chỉnh nhỏ bao gồm điều chỉnh tăng chi phí liên quan đến chi phí môi giới đối với các căn hộ khách hàng yêu cầu trả cọc, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, điều chỉnh tăng chi phí lãi vay ngân hàng và hoàn nhập dự phòng phải thu của khách hàng và một số điều chỉnh bút toán nhỏ khác.
Về nguyên nhân khách quan, lợi nhuận giảm 333 tỷ là do quan điểm thận trọng của đơn vị kiểm toán đã phản ánh số liệu theo đúng chế độ kiểm toán Việt Nam còn HBC thể hiện kết quả của báo cáo tài chính trên nguyên tắc phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Như thông cáo báo chí đã gửi đi ngày 30/03/2024, có sự chênh lệch rất lớn lên đến gần 60 lần giữa vốn chủ sở hữu hợp nhất của HBC xác định theo thực tế (báo cáo quản trị) và vốn chủ sở hữu xác định theo chế độ kế toán của Việt Nam (báo cáo tài chính kiểm toán).
Nguồn: Báo xây dựng