“Thiệt đơn thiệt kép” khi đơn giá xây dựng lạc hậu

(Xây dựng) – Định mức, đơn giá lạc hậu, xa với thực tế khiến doanh nghiệp rất khó có lợi nhuận, thậm chí đối mặt với thua lỗ nếu gặp biến động giá lớn. Đáng chú ý hơn là bởi định mức, đơn giá không phù hợp có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, người dân không được hưởng lợi ích xứng đáng từ các dự án.

“Thiệt đơn thiệt kép” khi đơn giá xây dựng lạc hậu
Định mức, đơn giá lạc hậu, xa với thực tế khiến doanh nghiệp rất khó có lợi nhuận, thậm chí đối mặt với thua lỗ nếu gặp biến động giá lớn.

Nhiều hệ luỵ

Hiện nay, định mức xây dựng được quy định tại Thông tư số 12/2021, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường (chưa tính đến hao hụt trong khâu vận chuyển), chưa bao quát các trường hợp áp dụng, mặt khác có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ, gồm các định mức như: thi công móng cấp phối đá dăm; thi công dầm cầu đúc hẫng; lao, lắp dầm; lắp đặt ván khuôn leo cho trụ cao; đắp đá; đắp đất cải tiến; cọc khoan nhồi; cọc xi măng đất; vận chuyển… Tình trạng này dẫn đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán ở các dự án không đảm bảo đồng nhất, gây khó khăn cho nhà thầu.

Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng trên thị trường hiện nay không sát với định mức. Trong quá trình triển khai cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 trùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến cho giá vật liệu xây dựng trên thị trường quốc tế tăng vọt, giá của các mặt hàng như sắt, thép, xăng, dầu, nhựa đường tăng gần gấp đôi. Đồng thời, giá của các vật liệu tại địa phương như đất, cát, đá cũng tăng đột biến từ 30-50%. Báo cáo về giá trị quyết toán tại các dự án giao thông cho thấy các nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tổn thất rất lớn về tài chính.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn nhận định, có sự chênh lệch rất lớn giữa đơn giá trong hợp đồng so với giá thực tế. Trong đợt bão giá vật liệu cao tốc, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153.000 đồng/m3, nhưng thực tế mua bên ngoài khoảng 254.000 đồng/m3, vênh hơn 100.000 đồng/m3. Một công trình thi công thông thường, riêng hạng mục cát đắp đã cần sử dụng tới 300.000 m3, như vậy tính sơ sơ, nhà thầu phải bù lỗ tới 30 tỷ đồng. Còn về đơn giá nhân công, nhà thầu làm “3 ca, 4 kíp”, làm ngày làm đêm, nhưng lại không thấy cơ quan nào bàn đến thực tế làm tăng giờ, tiền lương phải tăng 200-300% và nhà thầu lấy nguồn ở đâu để bù vào.

Cũng theo ông Tuấn Anh, lý do là các địa phương không ban hành đơn giá kịp thời và sát với thực tế, hoặc do chủ mỏ thao túng, liên kết tự ý nâng giá vật liệu. Giá cao còn do thiếu cung vì các mỏ tại địa phương có công suất chỉ vài chục nghìn khối, trong khi nhu cầu của dự án lên hàng chục triệu khối.

Tình hình này đã tạo nên khó khăn và thiệt hại nặng nề đối với doanh nghiệp ngành xây dựng, khiến tiến độ dự án bị chậm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ suy giảm chất lượng công trình, quy trình nghiệm thu, thanh quyết toán, cũng như các vấn đề liên quan đến thanh tra, kiểm toán.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Định An cũng cho biết, trong đơn giá hiện nay có hai phần cần phải xem xét là đơn giá trực tiếp và hệ số khấu hao vật tư quá thấp, nhiều công trình hoàn thành có khi phải bán ngay thiết bị đặc chủng, bởi càng giữ càng lỗ.

Trong văn bản kiến nghị của 12 nhà thầu gửi các cơ quan, ban ngành khi thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đã nêu rõ, đơn giá trực tiếp trung bình thiếu một nửa. Thí dụ, đơn giá tính nhân công thực hiện 1 m3 bê tông chỉ từ 600 – 650.000 đồng, nhưng thực tế có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Về khấu hao vật tư và ca máy, đơn giá ca máy đã lập quá lâu, không có thiết bị đặc chủng đưa vào thực hiện, nhà thầu phải đầu tư thiết bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, với khấu hao tính trong đơn giá ca máy làm liên tục, khối lượng không tập trung, máy thi công xong dự án phải bán ngay, vì càng giữ càng lỗ.

Ông Trần Văn Giầu – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính, cũng cho hay máy cẩu theo định mức từ 16 đến 25 tấn, trong khi thực tế phải sử dụng cẩu trên 50 tấn mới đảm bảo an toàn, đáp ứng tiến độ dự án. Còn cẩu 16 tấn gần như không dùng, cẩu 25 tấn chỉ thi công lan can, chuyển vật tư, thiết bị.

Thêm vào đó, chi phí thuê thép hình (loại thép thường được sử dụng trong xây dựng cầu đường) trên thị trường khoảng 700.000-900.000 đồng một tấn mỗi tháng, trong khi định mức đơn giá thấp hơn 2,7 lần, chỉ khoảng 255.000 đồng mỗi tấn một tháng.

Bên cạnh đó, theo quy định của Nhà nước, đơn giá nhân công khá thấp so với thị trường chung cũng là yếu tố khiến ngành Giao thông chưa thu hút được nhân lực. Hiện mức lương cho công nhân có tay nghề chỉ dao động 7-8 triệu đồng mỗi tháng, kỹ sư mới ra trường khoảng 10 triệu đồng. Để thu hút lao động tay nghề cao, doanh nghiệp thường phải trả lương gấp đôi so với mức định mức, ví dụ thợ lái cẩu, lái máy thảm bêtông nhận lương khoảng 20-25 triệu đồng, kỹ sư 15-20 triệu mỗi tháng, chưa kể thu nhập làm ngoài giờ.

Có thời điểm thiếu nhân sự, Công ty Trung Chính phải tuyển dụng nhiều lao động với thu nhập cao gấp đôi bình thường để đảm bảo tiến độ dự án. Nhà thầu thường phải tiết giảm chi phí, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất nhằm tăng thu nhập cho người lao động.

Đại diện các nhà thầu cũng nhận định Bộ định mức hiện hành còn thiếu nhiều định mức mới dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi lập dự toán và nghiệm thu, thanh quyết toán (ví dụ ở dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông… hạng mục đắp đá, đắp đất lẫn đá chưa có định mức). Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền thanh toán cho các nhà thầu và mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân như cơ quan chức năng chưa cập nhật và sử dụng các dữ liệu định mức đã do các nhà thầu lập từ các dự án cụ thể để công bố rộng rãi. Công tác làm hầm, cầu lớn, vận hành khai thác đã được các đơn vị xây dựng định mức cho các dự án cụ thể nhưng chưa được kiểm tra, đánh giá cập nhật để áp dụng rộng rãi.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phùng Tiến Vinh – Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong tất cả các Thông tư hướng dẫn đã ban hành có ảnh hưởng rất lớn đến nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu xây lắp. Một số đơn giá định mức như phun vỏ hầm giao thông, định mức của đất đắp nền đường bằng đá, đào đá cấp 4 hiện cũng chưa có, vấn đề này gây khó khăn cho các nhà thầu cũng như các thủ tục thanh quyết toán sau này. Ví dụ khi biến động do trượt giá do Covid-19, ảnh hưởng kinh tế – xã hội thì có phù hợp điều chỉnh đơn giá hoặc triển khai thi công 3 ca 4 kíp có được tính vào đơn giá, định mức hay không.

Ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Trung tâm Kinh tế Xây dựng (Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, thực tế, hệ thống định mức của Bộ Xây dựng được áp dụng từ lâu và gần như đầy đủ các danh mục, bao phủ hết các mặt. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây có thêm những dự án mới, có thêm nhiều tiêu chuẩn mới, có công nghệ, máy móc mới nên việc vận dụng định mức mới có nhiều bất cập.

Cùng với đó, công nghệ thi công thay đổi hàng ngày, có nhiều công nghệ, biện pháp, phương thức mới, hiện đại để đáp ứng tiến độ, chất lượng của ngành Giao thông. Chính vì vậy hệ thống định mức sẽ có độ trễ, không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc công trình. Định mức, đơn giá không phù hợp đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình dự án.

Cấp thiết có đơn giá, định mức sát thực tế

Để gỡ vướng định mức xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, quan trọng hơn hết là người dân được hưởng lợi ích xứng đáng từ các công trình, cần sớm điều chỉnh đơn giá, định mức phù hợp với thực tế. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đề xuất, về đơn giá, dự toán lập trên cơ sở thông báo giá của các địa phương nhưng giai đoạn ban đầu, thông báo đơn giá của các địa phương thường không sát, không kịp thời. Do đó, có thể xem xét các địa phương thông báo giá riêng cho các dự án cao tốc hoặc các dự án trọng điểm bởi các dự án này có yêu cầu về mặt kỹ thuật, tiến độ cao hơn so với các dự án của địa phương.

Về định mức, cần có mã định mức được mô tả, định nghĩa, điều kiện áp dụng cụ thể, rõ ràng, tránh trường hợp một hạng mục nhưng áp dụng được nhiều định mức khác nhau. Cố gắng làm như văn bản pháp luật để không thể hiểu theo nhiều hướng.

Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã lập tổ công tác để phân loại, bổ sung, điều chỉnh các định mức, đảm bảo hai Bộ ban hành không trùng nhau. Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư 12/2021 sửa đổi, dự kiến ban hành bổ sung 318 định mức, còn Bộ Giao thông Vận tải ban hành 547 định mức.

Thứ trưởng Xây dựng Bùi Hồng Minh yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, ban quản lý dự án, địa phương sẽ rà soát lại định mức hiện tại và đề xuất với tổ công tác về việc bổ sung, điều chỉnh. Về các chi phí đầu vào, tổ công tác sẽ rà soát, phân loại chi phí vật liệu theo cơ chế đặc thù. Một số loại chi phí như giá đền bù, giải phóng mặt bằng… sẽ do địa phương và chủ đầu tư xác định. Còn Bộ Giao thông Vận tải rà soát quy trình kỹ thuật cấp mỏ.

Ngày 20/2/2024, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đã có văn bản gửi các nhà thầu, các đơn vị tư vấn về việc tham gia ý kiến đối với các định mức dự toán xây dựng công trình, trong đó có dự thảo các định mức sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2021. Tuy nhiên, theo một số đại diện nhà thầu, nhiều định mức sửa đổi vẫn chưa phản ảnh đúng, đủ với thực tế, giảm so với định mức cũ. Ví dụ công tác đắp đất nền đường sửa đổi bổ sung thành phần máy thi công tuy nhiên lại giảm định mức nhân công. Các định mức bổ sung mới lại thấp hơn nhiều so với các định mức đã được Viện Kinh tế xây dựng trước đó nhưng chưa được ban hành rộng rãi như định mức đắp đá nền đường thấp hơn rất nhiều so với định mức được Viện Kinh tế xây dựng trước đó tại dự án hầm Đèo Cả.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích