Bắc Ninh: Đề nghị chuyển cơ quan Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đông Đô

(Xây dựng) – Trước kiến nghị của Công ty Đông Đô về việc kiểm tra năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch và quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh Cụm công nghiệp (CCN) vừa và nhỏ Lâm Bình (Lương Tài, Bắc Ninh) chồng lên phần diện tích mà công ty đang sử dụng, bà Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh giao Ban Văn hóa – Xã hội tổng hợp và chuyển các cơ quan chức năng của Trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Bắc Ninh: Đề nghị chuyển cơ quan Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đông Đô
Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý cho Công ty Đông Đô chuyển đổi mục đích sang trung tâm dạy nghề, sát hạch lái xe ôtô.

Cần làm rõ năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch CCN Lâm Bình

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô (Công ty Đông Đô) kêu cứu về việc hơn 6ha đất hiện nay đang sử dụng làm dịch vụ trung tâm dạy nghề lái xe ôtô hàng chục năm nay đã được UBND tỉnh cho phép. Nhưng hiện quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh CCN vừa và nhỏ Lâm Bình, huyện Lương Tài đã chồng lên phần diện tích mà Công ty Đông Đô đang sử dụng. Công ty Đông Đô cho biết, công ty đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh nhưng chưa được xem xét, xử lý thỏa đáng.

Chiều 28/3, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh về công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô, ông Trần Văn Toản, Tổng Giám đốc Công ty Đông Đô cho biết: 15 năm trước, Công ty Đông Đô về thành lập và hoạt động theo chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh và chính quyền địa phương. Thời điểm đó hạ tầng, đường sá đi lại còn rất khó khăn. Với mong muốn phát triển, tạo cảnh quan, đảm bảo phù hợp khu công nghiệp, Công ty đã quyết định về đầu tư xây dựng. Năm 2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 1541/QĐ-UBND về việc “thu hồi và bàn giao diện tích 91.827,9m2 tại Khu công nghiệp nhỏ và vừa Lâm Bình, cho Công ty để xây dựng nhà máy sản xuất đá khô, làm sạch công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ kho vận hàng hóa”. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định, Công ty đã tiến hành thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ phần diện tích nêu trên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 66.457m2.

Khi triển khai để xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất kinh doanh, do hạ tầng của khu công nghiệp không đảm bảo nên Công ty đã có văn bản xin phép UBND tỉnh Bắc Ninh cho bổ sung mục đích sử dụng đất để xây dựng Trung tâm dạy nghề, sát hạch lái xe Đông Đô.

Ngày 3/5/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND cho phép Công ty Đông Đô bổ sung mục đích sử dụng đất trên diện tích 66.457,0m2 để xây dựng nhà máy sản xuất đá khô, làm sạch công nghệ cao, dịch vụ kho vận hàng hóa và trung tâm dạy nghề, sát hạch lái xe Đông Đô.

Do nhu cầu của xã hội, cũng như tại tỉnh Bắc Ninh chưa có sân sát hạch loại 1, cần diện tích lớn hơn phục vụ các hoạt động tập huấn an toàn giao thông (ATGT). Công ty đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh cho phép sử dụng toàn bộ quỹ đất 6,67ha để xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe loại 1.

Bắc Ninh: Đề nghị chuyển cơ quan Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đông Đô
Lãnh đạo Công ty Đông Đô kiến nghị nhiều nội dung, trong đó đề nghị làm rõ năng lực đơn vị tư vấn lập quy hoạch CCN Lâm Bình.

Ngày 22/7/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản số 1910/UBND-XDCB đồng ý cho Công ty Đông Đô chuyển đổi mục đích sử dụng đất phần diện tích xây dựng nhà máy sản xuất đá khô, làm sạch công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ kho vận hàng hóa, trên diện tích đất 66.457,0m2 tại CCN Lâm Bình theo Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 14/10/2009 và Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 03/5/2012 để mở rộng trung tâm dạy nghề, sát hạch lái xe ôtô.

Quyết định này cũng yêu cầu các Sở, ngành hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục chuyển đổi, tuy nhiên do thiếu sót, không được hướng dẫn cụ thể nên công ty chưa thể hoàn thiện được hồ sơ.

Cũng theo ông Toản, phần diện tích còn lại khoảng 25.370m2 nằm sát bờ kênh, Công ty đã tiến hành xây dựng các hạng mục tạo ra cảnh quan và môi trường sinh thái như cây xanh, hồ nước đường giao thông nội bộ và nhà chờ cho học viên của trung tâm sát hạch lái xe.

“Việc chuyển đổi, năm 2015 đã được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 1910/UBND-XDCB, đây là căn cứ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch lại không căn cứ vào văn bản này? Mặt khác, pháp luật quy định, quá trình lập quy hoạch phải lấy ý kiến người dân nhưng Công ty Đông Đô là đơn vị trực tiếp bị ảnh hưởng lại không được tham gia ý kiến”, lãnh đạo Công ty Đông Đô đặt câu hỏi.

Ông Toản cũng thông tin việc bản vẽ quy hoạch được điều chỉnh nhiều lần và kiến nghị các ngành chức năng làm rõ năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, tại sao quy hoạch CCN lại cho shophouse và đất dịch vụ nằm liền kề (ban đầu)? Tại sao lại có việc “bốc thuốc”, “nhúp chỗ này, đặt chỗ kia”, trong khi 25.370m2 nằm sát bờ kênh, Công ty đã tiến hành xây dựng các hạng mục cây xanh, hồ nước, tạo cảnh quan, đây phải chăng không phải là hạ tầng cây xanh?

“Không thể đồng ý cho tôi làm 15 năm nay rồi, bây giờ lấy lại để làm hạ tầng CCN, như vậy là không phù hợp” – ông Toản kiến nghị.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh đã giải thích một số nội dung, trong đó khẳng định, việc điều chỉnh CCN theo quyết định phê duyệt mới nhất của huyện Lương Tài là đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Để làm rõ nội dung kiến nghị, bà Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đã giao Ban Văn hóa – Xã hội tổng hợp và chuyển các cơ quan chức năng của Trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Dự án đình trệ, chủ đầu tư có đủ năng lực?

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, ngày 02/4/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Lâm Bình, huyện Lương Tài. Theo đó, cụm công nghiệp Lâm Bình được đầu tư xây dựng trên diện tích 55,4ha, gồm các hệ thống hạ tầng như: Giao thông, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc…

Tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 600 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Cảng làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, thực tế dự án vẫn “đồng không, mông quạnh”, chưa có dấu hiệu đầu tư xây dựng.

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Cảng có địa chỉ tại tầng 8, số 39 Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, do ông Lưu Quang Lãm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Cũng theo tìm hiểu, được biết, cơ quan tổ chức lập quy hoạch do chủ đầu tư tự lập là Công ty TNHH Một thành viên IPM Lâm Bình có địa chỉ tại số 6 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, do ông Lưu Quang Lãm làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, qua quá trình xác minh thực tế, hiện công ty này không có hoạt động kinh doanh, hiện công ty cũng không hoạt động tại địa chỉ nêu trên.

Bắc Ninh: Đề nghị chuyển cơ quan Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đông Đô
Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nam Dương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch có chứng chỉ hoạt động hạng I với lĩnh vực thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình.

Về đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nam Dương, có địa chỉ tại số 97, đường Giáp Bát, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, do ông Đặng Ngọc Thanh làm người đại diện pháp luật. Theo thông tin từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), công ty đã được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I với mã số 00005673. Lĩnh vực hoạt động là thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình dân dụng. Theo Phụ lục VII lĩnh vực và phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ), đối với chứng chỉ hạng I, đơn vị được thiết kế, thẩm tra thiết kế tất cả các cấp công trình xây dựng: Dân dụng, hạ tầng, kỹ thuật (trừ cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn) và công trình khác có kết cấu dạng nhà, cột, trụ, tháp, bể chứa, si lô, tuyến ống/cống. Hiện chưa thấy thông tin công khai việc đơn vị này có chức năng tư vấn lập quy hoạch.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện cũng không tìm thấy thông tin về việc cấp chứng chỉ hoạt động liên quan đến quy hoạch cho Công ty Nam Dương. Cũng theo nguồn tin riêng, từ thời điểm 2021-2022, việc cấp chứng chỉ liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đã giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, nhưng từ đó đến nay, Sở cũng chưa thực hiện cấp mới cho đơn vị nào.

Điều 99, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng có quy định về việc đăng tải thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Theo đó: “Thông tin năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng đã được cấp chứng chỉ phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ quản lý và tích hợp trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng”.

Thời gian thực hiện đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp chứng chỉ. Thời gian thực hiện tích hợp thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ.

Như vậy, trường hợp nếu doanh nghiệp đã được Sở Xây dựng địa phương cấp bổ sung lĩnh vực hoạt động thiết kế quy hoạch nhưng chưa cung cấp thông tin này cho Trang thông tin của Bộ Xây dựng thì Sở Xây dựng địa phương đã không thực hiện đúng quy định tại Điều 99, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Bắc Ninh: Đề nghị chuyển cơ quan Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đông Đô
Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Cảng làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Lâm Bình với thời gian thực hiện 2021- 2022, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn là mênh mông cánh đồng.

Cũng theo tìm hiểu được biết, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Lâm Bình là Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Cảng từng dính nhiều sai phạm liên quan đến Dự án xã hội hóa khu neo đậu tránh bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Theo kết luận thanh tra số 162/KL-BGTVT ngày 06/1/2017 của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Dự án được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam và cho thấy nhiều sai phạm. Cụ thể, dự án không có trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, chủ đầu tư đã nạo vét cát để bán nhiều năm nhưng lại báo cáo không trung thực.

Theo Kết luận thanh tra, độ sâu luồng hàng hải đảm bảo -9,5m từ năm 2015 nhưng đã nạo vét mấy năm vẫn báo cáo là -9,5m. Cụ thể, theo thông báo hàng hải, luồng hàng hải Soài Rạp đã đạt -9,5m vào năm 2015 đáp ứng cho tàu tải trọng đến 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DTW giảm tải. Theo hồ sơ đề xuất, dự án được nạo vét đến năm 2019 mới đạt độ cao -9,5m. Dư luận thời điểm đó cho rằng, đây không khác gì “dự án ma” với mục tiêu là khai thác cát để bán?

Quay lại với CCN Lâm Bình, việc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng dự án với thời hạn được ghi trong quyết định của các cấp chính quyền và Sở Công Thương Bắc Ninh là 2021-2022, tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người không hiểu lý do vì sao dự án vẫn “án binh bất động”.

Có thông tin cho rằng, tháng 9/2021, chủ đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn P&P có địa chỉ tại Vinhome Ocean Park (Gia Lâm – Hà Nội) với nhiều nội dung mới, cũng có thông tin cho rằng dự án đã được “sang tay” bằng nhiều hình thức… Thiết nghĩ, đã đến lúc, các ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh cần làm rõ và xác định rõ năng lực của chủ đầu tư cũng như các vấn đề khác liên quan đến lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đối với CCN Lâm Bình nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh khiếu kiện phức tạp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích