Xây dựng văn minh đô thị từ cơ sở
Nhận thức sâu sắc về việc phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, Đan Phượng cũng như một số huyện ngoại thành khác, vừa có những nét văn hóa làng xã, vừa có những nét của văn hóa chuyển tiếp giữa nông thôn và vùng phụ cận đô thị; cư dân làng trong phố, phố trong xã là những áp lực được đặt ra về công tác xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Mô hình thôn bích hoạ tại cụm 5, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. |
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành Văn hóa và Thể thao năm 2024, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết: “Quan điểm của huyện là để xây dựng và phát triển huyện thì bên cạnh các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất thì nguồn lực văn hóa là một yếu tố quan trọng hợp thành nguồn lực tổng thể. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực, là nguồn lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Nguồn lực văn hóa gồm hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiết chế văn hóa, nguồn lực con người là chủ thể của mọi hoạt động. Bởi vì, nguồn lực con người có khả năng liên kết các nguồn lực khác, có vai trò quyết định để sử dụng các nguồn lực khác trong sự phát triển văn hóa xã hội. Huyện xác định một trong những nguồn lực chính đó là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nguồn lực con người là cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân”.
Tại Đan Phượng, mô hình văn hóa tiêu biểu phải kể đến mô hình “Cuộc thi giữ gìn thôn, cụm dân cư, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh”. Từ tháng 10/2019, huyện đã triển khai Cuộc thi với 4 tiêu chí chính: Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp tới các xã, thị trấn với mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, lấy người dân làm chủ thể và người dân là người thụ hưởng.Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, coi việc xây dựng và nhân rộng mô hình là một trong những chuyên đề xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Không phải chỉ vì hiệu quả từ vật chất mà còn là việc phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, trong thôn, làng, tổ dân phố; khơi gợi niềm tự hào, tình yêu quê hương bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Ban Chỉ đạo huyện, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, cuộc thi có tiêu chí rõ ràng, hàng tháng chấm điểm, trao giải, tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đưa nhiệm vụ này vào việc xây dựng những phần việc cụ thể của các chi hội, chi đoàn và vận động Đoàn viên, hội viên thực hiện. Huy động sự quan tâm của những người con quê hương, những tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân, Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, từ đó hình thành nhiều phong trào thi đua, mô hình hay, như mô hình Tuyến đê kiểu mẫu; Thôn bích họa; Thôn thông minh. Một ví dụ sinh động là mô hình Tuyến đê kiểu mẫu xã Song Phượng, chỉ trong thời gian 20 ngày, xã đã hoàn thành chỉnh trang toàn bộ 1,8km đê, biến toàn bộ mái đê thành những thảm hoa hồng, mẫu đơn, trạng nguyên…tạo thành điểm nhấn cảnh quan quê hương. Hay mô hình “Thôn bích họa kết hợp sân chơi thiếu nhi” tại thôn Thống Nhất với 1.200m2 tranh bích họa và điểm nhấn là bức phù điêu diện tích trên 80m2 và một sân chơi thiếu nhi hấp dẫn, bổ ích.
Từ một huyện ngoại thành Hà Nội, quá trình 10 năm xây dựng và phát triển, quận Nam Từ Liêm đã vươn mình trở thành một quận top đầu thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư mở rộng kết nối các quận huyện Thủ đô; nhiều công trình cao tầng, khu đô thị xây mới, hệ thống công trình, công viên, vườn hoa…được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.
Song song với công tác phát triển đô thị, công tác đảm bảo văn minh đô thị, vệ sinh môi trường là việc làm thường xuyên, liên tục và đã được quận Nam Từ Liêm triển khai, thực hiện liên tục trong nhiều năm qua; huy động sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đã dần từng bước làm chuyển biến thói quen, tập quán, nếp sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ở khu dân cư. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ví như, tại phường Trung Văn, Tổ dân phố số 4 chính là mô hình điểm Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu. Vào các dịp lễ, Tết, Tổ dân phố 4 đã gắn giá treo cờ đều tăm tắp tại các gia đình trong Tổ, được phường biểu dương là 1 trong các Tổ treo cờ đều và đẹp nhất. Song song với việc trồng những cây hoa, đèn trang trí tạo sắc thái riêng của Tổ văn hóa kiểu mẫu, Tổ dân phố 4 cũng đã tiến hành rà soát, lắp đặt pano bảng tiêu chí 5 không, Bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng, xóa tụ điểm chân rác thành nơi trồng hoa.
Để có được công trình đẹp mắt, sinh động, trang trọng như hiện nay, chi bộ đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy, cán bộ Chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và một số người dân tích cực phụ trách. Kinh phí mua cây hoa, đèn trang trí đều được huy động từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Đây là công sức và trách nhiệm cùng tình cảm cán bộ, hội viên nhân dân trong Tổ dân phố 4. Mô hình cũng là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong đó lực lượng hội viên phụ nữ là nòng cốt vừa tham mưu, vừa trực tiếp đảm nhận các phần việc cụ thể.
Phương Bùi
Nguồn: Báo lao động thủ đô