Làm ‘sống lại’ các dòng sông ô nhiễm ở Việt Nam: Cần bắt đầu từ đâu?
Làm ‘sống lại’ các dòng sông ô nhiễm ở Việt Nam: Cần bắt đầu từ đâu?
Để làm ‘sống lại’ các dòng sông ‘chết,’ giải pháp trọng tâm là đánh giá hiện trạng nguồn nước để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cũng như huy động xã hội hóa.
Trước thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức chỉ còn là kênh chứa nước thải, đại diện Bộ TN&MT cho biết công tác phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” sẽ được triển khai đồng bộ (bao gồm cả biện pháp công trình và phi công trình) ngay sau khi Luật Tài nguyên Nước 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 tới.
Theo đó, giải pháp trọng tâm là đánh giá hiện trạng nguồn nước để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; huy động xã hội hóa trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên…
Sẽ lập danh mục nguồn nước bị suy thoái
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về thực trạng nguồn nước hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ TN&MT) Nguyễn Minh Khuyến cho biết Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên (trong đó có 3.045 sông, suối nội tỉnh).
Tuy nhiên, do áp lực phát triển kinh tế-xã hội và biến đổi khí hậu (thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài) dẫn tới nhu cầu sử dụng nước trên các lưu vực sông ngày càng lớn đã làm gia tăng về lượng nước thải, rác thải xả ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Thực tế cho thấy nhiều dòng sông đã bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng.
“Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, làng nghề đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, cao nhất là vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm,” ông Khuyến nói.
Hệ quả nặng nề là nhiều dòng sông tại các địa phương trên cả nước hiện nay không còn đúng nghĩa là dòng sông với đầy đủ chức năng của nó mà về cơ bản chỉ còn là kênh thoát nước thải, không còn khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm, đơn cử như sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê…
Trong khi đó, nhu cầu về nước dự báo sẽ còn gia tăng. Ông Khuyến cho hay theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tổng nhu cầu nước vào mùa khô năm 2030 sẽ tăng 32% so với hiện tại, gây áp lực nguồn nước cho 11/16 lưu vực sông tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cũng nhấn mạnh nhiều hoạt động xả nước thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đã và đang tác động, gây sức ép ngày càng lớn đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước.
Trước trạng nêu trên, đại diện Bộ TN&MT cho biết cơ quan này đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông liên tỉnh trên 13 lưu vực sông lớn. Một số địa phương cũng đã và đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông nội tỉnh.
Đề cập thêm về góc độ chính sách, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh phục hồi, làm sống lại các dòng sông “chết” là chính sách rất lớn trong Luật Tài nguyên Nước 2023 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
Dự kiến, nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước sông sẽ được triển khai sau khi luật có hiệu lực. Theo quy định của luật, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm để làm căn cứ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước.
“Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức việc đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các dòng sông để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm,” ông Châu Trần Vĩnh thông tin thêm.
Huy động nguồn lực “làm sống lại” các dòng sông
Để có hành lang pháp lý cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh Luật Tài nguyên Nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan như quy định cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực.
Theo đó, luật quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”) nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường; bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa; quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.
Cụ thể, nguồn kinh phí để phục hồi các nguồn nước bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường; nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân.
Các biện pháp công trình gồm: Xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn,… để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, giúp các sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho sông khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các biện pháp phi công trình như quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trước khi xả ra các dòng sông cũng đã được quy định đầy đủ và đang được Bộ TN&MT, các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên các biện pháp quản lý vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả như kỳ vọng.
“Để đạt hiệu quả cao thì tổ chức, cá nhân phải thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nguồn nước, từ đó được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật một cách tự nguyện, tự giác,” ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Vĩnh cũng lưu ý khó khăn rất lớn để triển khai các dự án phục hồi dòng sông “chết” là hạn chế về nguồn lực cho các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình. Với điều kiện về ngân sách nhà nước như hiện nay thì việc huy động được nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân (nguồn xã hội hóa) là rất quan trọng để có thể thực hiện được các dự án phục hồi các dòng sông “chết.”
“Tuy nhiên để huy động được nguồn lực này, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vừa phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế, phí,” ông Vĩnh chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị