Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2024
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tăng năng suất lao động dựa trên hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chủ trương này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước triển khai xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mới đây Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
Theo đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thông quản lý công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, nhất là các tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý về năng suất chất lượng, xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, các công cụ, thiết bị cải tiến năng suất chất lượng, các giải pháp ứng dụng (sản xuất thông minh, chuyển đổi số…) cải tiến hiệu quả quản lý, kỹ năng đổi mới sáng tạo, cải thiện các yếu tố còn tồn tại của doanh nghiệp.
Xây dựng các nội dung và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về năng suất trong chương trình hướng nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng: Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về năng suất chất lượng (cho giảng viên, sinh viên…); Tổ chức đào tạo, bồi đưỡng kiến thức về năng suất chất lượng cho giảng viên các trường đại học, cao đăng trên địa bàn tỉnh tham gia; Tổ chức đảo tạo cho sinh viên khối ngành kinh tế, quán trị kinh doanh.
Xây dựng tài liệu, đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành cho các sản phẩm hàng hóa OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường các sản phẩm.
Nghiên cứu thực trạng các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn; Xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở áp dụng cho từng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; Hướng dẫn xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn sản phẩm; Bộ tiêu chuẩn cơ sở (tiêu chuẩn nguyên vật liệu, bán thành phẩm…) phục vụ quản lý chất lượng, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất chất lượng; Tổ chức lựa chọn xây dựng 06 mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh Quảng Ninh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã giúp cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất. Từ đó, tăng năng suất chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo đó đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương không chỉ “khu trú” trong phạm vi từng địa phương mà đã có sự kết nối hướng tới mở rộng thị trường. Điển hình là để hiện thực hóa các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 565 sản phẩm chủ lực của địa phương và xác định phương án có 250 sản phẩm truy xuất nguồn gốc. Chỉ khi đảm bảo được truy xuất nguồn gốc mới giúp doanh nghiệp quản lý được sản phẩm theo chuỗi giá trị, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Để thực hiện mục tiêu tăng năng suất và áp dụng thành công chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời hướng đến mục tiêu năm 2030 thì Quảng Ninh cần nghiên cứu xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo nền tảng về chính sách tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất.
Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động nâng cao năng suất cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế; nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới để áp dụng phù hợp cho các doanh nghiệp, tổ chức ở các quy mô khác nhau trên địa bàn tỉnh; lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức làm mô hình mẫu triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến (ISO 56000, ISO 9001, 5S, Kaizen). Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động cải tiến năng suất. Tăng cường các hoạt động truyền thông về năng suất, nhằm hướng tới mục đích tạo nền tảng cải tiến năng suất và nhận thức về cải tiến năng suất trong cộng đồng.
An Dương